Dự luật do Thượng nghị sĩ Josh Hawley đệ trình đã được thông qua tại ủy ban trên với số phiếu tán thành 100%. Dự luật sẽ được đưa ra biểu quyết ở toàn thượng viện và được dự đoán sẽ sớm được ban hành thành luật.
Dự luật này cấm nhân viên, nhà thầu liên bang, các nghị sĩ cài đặt hoặc sử dụng TikTok và tất cả các ứng dụng khác của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh phát triển trên mọi thiết bị do chính phủ cung cấp.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đầu tuần này cũng đã bỏ phiếu thông qua việc cấm các nhân viên liên bang tải ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp. Sau khi được thông qua tại Hạ viện và Ủy ban Thượng viện, lệnh cấm TikTok có thể sớm được Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ ban hành luật chính thức tại Mỹ.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của chính quyền Trump cho biết họ đang cân nhắc áp dụng lệnh cấm rộng hơn với TikTok cũng như các ứng dụng khác có liên quan tới Trung Quốc. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tuần tuyên bố nước này đang xem xét cấm các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc do lo ngại an ninh quốc gia. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục có những động thái cứng rắn với các thực thể, công ty Trung Quốc vốn có thể đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có TikTok.
Tuần trước, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tiết lộ, Nhà Trắng đang đánh giá nguy cơ về các rủi ro an ninh quốc gia đến từ các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok, WeChat và dự kiến sẽ có hành động để giải quyết vấn đề.
“Các quan chức chính quyền đang đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác, đặc biệt trong vấn đề thu thập thông tin về công dân Mỹ của một thực thể nước ngoài”, ông Mark Meadows nói với các phóng viên hôm 15.7.
Được biết, ứng dụng chia sẻ video nhanh TikTok của tập đoàn ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh, hiện có khoảng 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Ước tính số người dùng TikTok tại Mỹ là trên 52 triệu người, tăng 12 triệu người dùng trong thời gian dịch COVID-19.
Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi. Năm ngoái, khoảng 60% trong số 26,5 triệu người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ trong độ tuổi từ 16-24. Điều này đã khiến các nhà lập pháp và các nhà chức trách đặt nghi vấn, vì lo ngại rằng giới chức Bắc Kinh có thể tiếp cận thông tin cá nhân của người Mỹ thông qua ứng dụng này.
Theo một đạo luật được Trung Quốc thông qua hồi năm 2017, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty trong nước như TikTok và Huawei phải có nghĩa vụ "hỗ trợ và hợp tác" với các cơ quan an ninh, tình báo của nước này quốc gia trong một số trường hợp.
Phía TikTok đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc cho rằng ứng dụng này chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. TikTok khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa từng yêu cầu chia sẻ thông tin người dùng và ngay cả khi được yêu cầu, họ cũng không làm như vậy. Công ty cho biết đang cân nhắc thay đổi cấu trúc công ty để tách khỏi Trung Quốc và khẳng định giám đốc điều hành của họ là người Mỹ.
Trang Nhung (theo Reuters, SCMP)