Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ). Ảnh: quochoi.vn
Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhận định khái quát rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng 5 “nhất”, gồm điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Các đại biểu bày tỏ tán thành với việc thông qua Đề án nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013.
“Bội thực” chính sách nhưng thiếu nguồn vốn
Cho ý kiến cụ thể, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) khẳng định, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể khẳng định rằng 118 chính sách đang có hiệu lực bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế xã hội cùng với kết quả tăng trưởng cao phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp thực sự là bà đỡ có hiệu quả. Chính vì vậy, đời sống kinh tế xã hội diện mạo buôn làng không ngừng được nâng lên, tạo ra động lực mới niềm tin mới trong đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, ông chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi trong giai đoạn vừa qua.
Trong đó, ông nhắc đến tình trạng “bội thực” chính sách nhưng thiếu nguồn vốn. Điển hình như, chương trình mục tiêu quốc gia 35 chỉ đạt 52,1% tổng nhu cầu vốn; nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như: chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, chính sách bảo vệ rừng, do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán. “Thậm chí chính sách này triệt tiêu chính sách khác,...". – ông nói.
Đề cập đến các giải pháp, ông Đinh Duy Vượt cho rằng, Trung ương chỉ ban hành khung chính sách phân cấp cho HĐND, UBND tỉnh quyết định là phù hợp, song cần phân định rõ lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào trợ giúp. Theo ông, cũng cần rà soát việc cấp 18 loại ấn phẩm với trên 300 tỷ để tránh lãng phí; bởi lẽ, nhiều ấn phẩm tại nhiều địa phương để nguyên từng chồng không ai sử dụng. Theo ông, nên cung cấp phương tiện nghe nhìn là phù hợp vì hiện nay điện lưới, mạng viễn thông đã phủ kín.
Ông cũng đề nghị, chính sách cử tuyển cần thu hẹp, thà ít mà chất. Theo đó, đã cử đương nhiên phải tuyển, việc thi tuyển công chức phải rõ tỷ lệ cho người dân tộc, đề thi chung, lấy điểm đỗ từ cao đến hết chỉ tiêu, đặc biệt phải khắc phục tình trạng nặng về cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn...
Đáng chú ý, vị đại biểu đề nghị, thay bằng hỗ trợ đất ở, sản xuất bằng đầu tư giao đất không thu tiền; đồng thời quy định không được sang nhượng khi sửa đổi Luật Đất đai tới đây; không quy hoạch, phê duyệt các dự án có thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định cư; có cơ chế góp vốn hưởng lợi bằng giá trị đất vào các doanh nghiệp để đồng bào không mất đất.
Kiên quyết thu hồi đất của các nông lâm trường, các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi sai mục đích. “Ôm diện tích đất lớn chờ thời sang nhượng trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất là phản cảm, bất hợp lý” – ông nói.
Cho rằng Đề án xác định tổng vốn tạm tính là 334.421 tỷ đồng là một điểm đột phá, để nguồn vốn khả thi cần rà soát lại xác định cụ thể danh mục dự án, quy mô đầu tư, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Cần câu tốt, hồ câu tốt nhưng phải biết cách câu
Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng, một trong những quan điểm khi ban hành chính sách dân tộc trong thời gian qua là quan điểm hỗ trợ cho đồng bào. “Trong 118 chính sách được liệt kê, có 31 chính sách sử dụng cụm từ hỗ trợ ngay ở tên chính sách. Các chính sách còn lại dù không sử dụng cụm từ hỗ trợ ở tên chính sách nhưng nội dung chính sách đều ít nhiều bao hàm sự hỗ trợ đối với đồng bào” – bà nhận xét.
Bởi vậy, bà Đinh Thị Bình đánh giá tên gọi đề án lần này cho thấy sự chuyển biến quan trọng trong nhân thức và hành động của Chính phủ khi chuyển dần từ quan điểm hỗ trợ sang quan điểm đầu tư phát triển, để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực sự chuyển mình.
Qua quá trình thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, bà chỉ ra một trong những bất cập cần được quan tâm giải quyết đó là Nhà nước thường ban hành chính sách chung, thực hiện cho nhiều vùng miền, nên có lúc có nơi chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao. “Theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ, học sinh dân tộc thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện sẽ được hỗ trợ gạo để bảo đảm duy trì việc học tập. Song thực tế là chỉ có một số học sinh mà gia đình không có đất trồng lúa nên cần gạo để sử dụng, nhưng một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho trồng lúa nên gạo các em dù nhận cũng không ăn mà lại sử dụng vào mục đích khác, làm mất đi ý nghĩa của chính sách này” – bà ví dụ.
Từ đó, bà đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm quan điểm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nghiên cứu cụ thể nhu cầu, đặc điểm từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, mọi vùng miền. Hay nói cách khác Chính phủ chỉ quy định khung giao tự chủ cho địa phương thực hiện để phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền khác nhau.
Về giải pháp, đại biểu đề nghị, Đề án cần quan tâm đến việc “tích hợp chính sách” không ghép cơ học các dự án hiện hành, dẫn đến hiệu quả không cao.
Đặc biệt, bà lưu ý, cần rà soát cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho việc thực hiện chính sách dân tộc, không để tình trạng chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực, khiến chính sách dân tộc như “một loại quả đẹp nhưng không ăn được”.
Bên cạnh đó, rà soát phân tích địa bàn đối tượng để tập trung đầu tư, tránh dàn trải, không hiệu quả.
Vẫn theo bà, bên cạnh quan tâm đến bảo đảm đất ở, tạo sinh kế, cần quan tâm đến chính sách nâng cao chất lượng nhân lực. “Bởi lẽ, suy cho cùng, nếu chúng ta tập trung đầu tư tạo ra cần câu tốt, hồ câu tốt nhưng người cầm cần không đủ khả năng, không biết cách câu khó có thể thành công được” – bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, chúng ta phải đánh thức được tiềm năng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực, làm chủ cuộc sống và tạo sinh kế thu nhập cho đồng bào như: Xây dựng kinh tế hộ sao cho phù hợp với vùng dân tộc miền núi, làm thay đổi bộ mặt cảnh quan miền núi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; khuyến khích người dân khởi nghiệp để làm chủ trên chính mảnh đất của mình…/.