Triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí minh vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Một con kênh trên địa bàn TP. Thủ Đức nằm giáp với tỉnh Bình Dương ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; đầu tư kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu đến ngày 31/12/2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ của sông Thị Tính về phía hạ lưu); giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái) tại tuyến giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Đề nghị Sở Giao thông công chánh huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, làng nghề, khu, cụm công nghiệp; chủ động đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán.
Mục tiêu đến ngày 31/12/2025, 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp. Vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí minh đề nghị Sở Tài chính kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung cần ưu tiên đầu tư.
Trước mắt, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 200m3/ngày đêm trở lên vào các lưu vực sông cần được kiểm soát chặt chẽ và tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông theo thẩm quyền quản lý.
Thanh Hải
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-kiem-soat-nguon-thai-de-xu-ly-dut-diem-tinh-trang-o-nhiem-kenh-rach-14925.html