(HNMO) - Ngày 29-5 (rạng sáng 30-5 theo giờ Việt Nam), trong cuộc họp báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt quan hệ và đóng góp tài chính đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì cách xử lý đại dịch Covid-19 của tổ chức này.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, WHO đã không có được những cải cách lớn cần thiết. Ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chuyển các khoản tài trợ đó cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách trên toàn cầu khác xứng đáng hơn.
Châu Mỹ
Quyết định trên của Tổng thống D.Trump vấp phải sự phản đối của dư luận, đặc biệt là phe Dân chủ tại Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gần đây cho rằng, việc Chính phủ Mỹ chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19 là "việc làm vô nghĩa". Bà khẳng định Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi phối hợp các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ đánh giá, quyết định của Tổng thống D.Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng đánh giá đây là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ xem xét lại vấn đề này.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, WHO sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch Covid-19 của cơ quan này vào "thời điểm thích hợp sớm nhất". Ông kêu gọi các bên tham gia đánh giá một cách minh bạch và có trách nhiệm.
Cùng ngày, giới chức New York, một trong những tâm dịch lớn nhất của thế giới, cho biết, thành phố sẽ bắt đầu mở lại các hoạt động vào ngày 8-6, bước đầu tiên tiến tới chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài từ cuối tháng 3 tại đây. Tuần vừa qua, New York vẫn có tới hơn 5.000 người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, đây là con số thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu tháng 4 khi mỗi tuần có khoảng 40.000 người mắc.
Tuy nhiên, khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa thể làm điều tương tự. Colombia đã ngừng mọi chuyến bay quốc tế ít nhất cho đến ngày 31-8, đóng mọi cửa khẩu đường bộ và đường sông với các nước láng giềng, trong đó có Brazil.
Châu Âu
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến tích cực, một số nước châu Âu tiếp tục thông báo quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, từ ngày 1-6 sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, theo đó 70% dân số nước này sẽ được phép đến các nhà hàng, bể bơi và trung tâm thương mại.
Chính phủ Romania cũng thông báo từ ngày 1-6, nước này sẽ cho phép các quán cà phê, nhà hàng, bãi biển mở cửa trở lại đi kèm một số điều kiện nhất định.
Tương tự, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo từ ngày 1-6 cho phép hoạt động giao thông vận tải giữa các thành phố; các quán cà phê, nhà hàng, cùng nhiều điểm khác, trừ quán bar và câu lạc bộ, được hoạt động trở lại.
Từ tuần tới, Chính phủ Na Uy sẽ bỏ các biện pháp cách ly bắt buộc 10 ngày đối với những người vừa có chuyến công tác đi và đến từ tất cả các nước ở Tây Bắc châu Âu.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 29-5 cho biết, từ giữa tháng tới, việc đeo khẩu trang tại các cửa hàng sẽ không còn là quy định bắt buộc vì nước này đã bước vào giai đoạn mới phòng, chống dịch theo phương châm "quy định ít đi, có trách nhiệm nhiều hơn".
Châu Á
Ngày 29-5, Iran thông báo ghi nhận thêm 2.819 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, mức trong ngày cao nhất kể từ ngày 2-4, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 146.668 ca, trong khi số ca tử vong là 7.677 ca, trong đó có 50 ca tử vong mới. Hiện Chính phủ Iran vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng các ca nhiễm mới sau khi nước này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 1-6. Những trường luyện thi cho học sinh, các trung tâm tập thể dục và các nhà hát kịch sẽ nằm trong số những cơ sở hoạt động được phép mở cửa trở lại theo hình thức nới lỏng dần theo từng giai đoạn.
Ngày 29-5, Philippines bất ngờ chứng kiến số mắc Covid-19 tăng cao nhất khu vực, với 1.046 người và 21 ca tử vong. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa then chốt vốn được triển khai để ngăn chặn dịch Covid-19 tại thủ đô Manila từ ngày 1-6. Quyết định này được đưa ra nhằm khôi phục nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau gần 3 tháng thực hiện cách ly nghiêm ngặt.
Tại Thái Lan, thời gian giới nghiêm ban đêm được áp đặt tại nước này sẽ được rút ngắn thêm 1 giờ khi nước này bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Tính đến 6h ngày 30-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 366.295 ca tử vong do đại dịch Covid-19 trong tổng số 6.020.712 ca nhiễm.