Biểu tình ở Italy. Nguồn: MbS/vietnam+
Cuộc tổng đình công do một số tổ chức nghiệp đoàn như Cub, Sgb, Si-Cobas, Usi-Cit và Slai Coba khởi xướng nhằm yêu cầu tăng lương, giảm tải khối lượng công việc, hủy bỏ Luật Lao động và Luật Cải cách hưu trí.
Thủ đô Rome phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất, từ hoạt động lưu thông phương tiện công cộng đến thu gom rác thải. Ước tính khoảng 30.000 người lao động đã nghỉ làm để tham gia tổng đình công, trong đó có khoảng 8.000 nhân viên công ty môi trường đô thị của thành phố (AMA) và 11.000 nhân viên công ty vận tải (ATAC).
Hoạt động biểu tình cũng diễn ra tại quảng trường Campidoglio, hàng nghìn người tập trung để phản đối chính quyền vùng về sự xuống cấp của thủ đô Rome, cũng như việc chậm thông qua ngân sách cho AMA đang gặp khó khăn về tài chính và hoạt động thu gom rác thải.
Chia sẻ trên Twitter, Thị trưởng Rome Virginia Raggi (Vi-gi-ni-a Rác-gi) chỉ trích hoạt động kêu gọi đình công của một nhóm thiểu số nghiệp đoàn và cho rằng người dân đang cảm thấy mệt mỏi vì các cuộc đình công phi lý.
Trước đó, ngày 24/10, Cub, Sgb, Si-Cobas và Usi-Cit đã thông báo một cuộc tổng đình công sẽ diễn ra trên tất cả các hạng mục công cộng và tư nhân, đường sắt, vận tải hàng hải, và hàng không trong 24 giờ, từ 21h ngày 24/10 đến 21h ngày 25/10 (theo giờ địa phương)./.