Một hóa thạch cá chép khoảng 100 triệu năm tuổi được tìm thấy gần đây tại một ngôi làng ở huyện Đan Lăng, thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.
Ông Liu Jingzong, chuyên gia nông nghiệp của Chi cục Nông nghiệp và Nông thôn Đan Lăng cho biết: "Các lớp đất và đá ở huyện chúng tôi đều là trầm tích giống như đá ở thành hệ Jiaguan thuộc kỷ Phấn Trắng tại làng cổ Xingfu. Tất cả cá mẫu đá đều có thớ ngang nhìn rất rõ. Niên đại của đá ở thành hệ Jiaguan trải dài từ 97,5 triệu năm đến 135 triệu năm. Vì vậy, có thể nói hóa thạch này khoảng 100 triệu năm tuổi".
Theo một chuyên gia động vật học, con cá thuộc loài cá chép cổ đại lepidote, sống giữa kỷ Tam Điệp và kỷ Phấn Trắng. Cơ thể con cá bị dính chặt vào lớp đá cách đây hàng triệu năm. Nó có chiều dài thân, đuôi, chiều cao lần lượt là 22 cm, 5 cm, 6,5 cm và nặng khoảng 150 gram.
Chính quyền địa phương cho biết đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy loài cá chép cổ đại lepidote ở đây. Phát hiện này có ý nghĩa lịch sử và quan trọng đối với các nghiên cứu khảo cổ học.
Long Hải (theo CGTN)