Theo Bộ GTVT, phương án được chọn là sẽ xây thêm 1 trạm thu phí đặt trên tuyến tránh TX.Cai Lậy, hoạt động song song với trạm thu phí đã phải tạm ngưng thu hơn 2 năm qua do vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dân chúng. Phương án xây thêm trạm thu phí đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 8.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, lợi thế của việc xây dựng thêm 1 trạm thu phí trên tuyến đường tránh TX.Cai Lậy là phân luồng cho các loại xe lớn di chuyển trên tuyến đường tránh nhằm giảm kẹt xe cho khu vực nội ô TX.Cai Lậy. Hai trạm thu phí sẽ bắt đầu hoạt động từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trạm trên quốc lộ 1 thu phí 15.000 đồng/lượt xe nhóm 1, trạm trên đường tránh thu phí 25.000 đồng/lượt xe nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt…), sau đó trạm nào hoàn vốn xong sẽ được tháo dỡ ngay.
Dự án xây dựng công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 và đường tránh TX.Cai Lậy (gọi tắt là BOT Cai Lậy) do Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Quy mô dự án bao gồm 26,5km mặt đường quốc lộ 1 từ Km1987+560 thuộc địa phận H.Cai Lậy đến Km2014 thuộc H.Cái Bè, được tăng cường nền, mặt đường; sửa chữa gia cường công trình cầu; xây dựng bổ sung, khơi thông hệ thống thoát nước dọc quốc lộ và xây dựng mới 12km tuyến tránh TX.Cai Lậy đạt quy mô đường cấp 3 đồng bằng.
Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Bình Phú (H.Cai Lậy) bắt đầu thu phí từ ngày 1.8.2017, dự kiến thu hồi vốn đầu tư sau 6 năm 5 tháng với mức thu từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng/xe (tùy loại).
Tuy nhiên ngay sau khi triển khai thu phí, trạm BOT Cai Lậy liên tục xảy ra ùn tắc, mất an ninh trật tự do phản ứng của giới tài xế nên phải liên tục xả trạm. Đến ngày 16.8.2017, chủ đầu tư BOT Cai Lậy giảm mức thu phí xuống mức thấp nhất là 25.000 đồng/xe và cao nhất là 160.000 đồng/xe, nhưng vẫn bị giới tài xế phản ứng bằng nhiều cách, tiếp tục gây ùn tắc kéo dài. Từ đó chủ đầu tư phải tạm ngưng thu phí 3 tháng để tìm phương án giải quyết.
Ngày 30.11.2017, khi trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại thì cánh tài xế tiếp tục phản đối gay gắt, khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Tình hình căng thẳng nên đầu tháng 12.2017 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí 1 tháng để tìm phương án xử lý, nhưng sau đó trạm BOT Cai Lậy phải ngưng thu phí cho đến nay.
Đã có rất nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ ngành có liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra phương án giải cứu BOT Cai Lậy, trong đó đáng chú ý nhất là việc chủ đầu tư dự án phải giảm phí tối đa cho tất cả các phương tiện qua lại trạm, mở rộng phạm vi miễn giảm phí lên đến 10km cho chủ phương tiện ở các địa phương trong khu vực xung quanh trạm, nhưng vẫn bất thành.
Phớt lờ dư luận?
Việc Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chọn phương án xây thêm 1 trạm thu phí trên tuyến tránh hoạt động song song với trạm cũ đã khiến dư luận hết sức ngán ngẩm, bởi ý kiến của số đông người dân đã bị những người có trách nhiệm bỏ ngoài tai.
Đường tránh TX.Cai Lậy, nơi Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang quyết đặt thêm 1 trạm thu phí - Ảnh: Thanh Anh
Ông Trần Văn Hải (tài xế ở tỉnh Đồng Tháp) cho biết từ trước đến nay giới tài xế phản ứng trạm BOT Cai Lậy không phải do phí qua trạm quá cao mà chủ yếu là họ cho rằng trạm đặt sai vị trí. “Chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh TX.Cai Lậy hơn 680 tỉ đồng thì họ chỉ nên đặt trạm thu phí trên tuyến tránh. Còn việc nâng cấp 26,5km mặt đường quốc lộ 1, lâu nay xe cộ đã đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm, phải nộp thêm phí cho BOT là rất bất hợp lý. Theo tui, Bộ GTVT phải tính toán trả lại khoảng 400 tỉ đồng tiền nâng cấp 26,5km quốc lộ 1 cho nhà đầu tư, chỉ cho họ thu phí trên tuyến tránh là hợp lý”, ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, tài xế ở Vĩnh Long, việc tồn tại 2 trạm thu phí cùng hoạt động sẽ tiếp tục bị người dân phản ứng. “Bởi lẽ ai cũng hiểu trạm thu phí trên quốc lộ 1 là để thu tiền xe cộ nhằm hoàn vốn khoảng 400 tỉ đồng nâng cấp 26,5km mặt đường quốc lộ của nhà đầu tư. Còn trạm thu phí đặt trên đường tránh là thu tiền để hoàn vốn số tiền 680 tỉ đồng đầu tư cho tuyến đường này. Như vậy là xe đi đường nào cũng phải nộp phí, rất bất cập”, ông Tuấn bày tỏ.
Các giải pháp được nhiều người, đặc biệt là giới tài xế, đồng tình ủng hộ là xóa bỏ trạm thu phí hiện tại và chỉ đặt duy nhất trạm thu phí trên tuyến tránh TX.Cai Lậy. Sau đó các cơ quan hữu trách sẽ phân luồng, không cho xe các tỉnh có trọng tải lớn, xe khách trên 12 chỗ ngồi lưu thông qua nội ô TX.Cai Lậy. Với lưu lượng xe lưu thông rất lớn như hiện nay (khoảng hơn 50.000 chiếc/ngày đêm) vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn.
Phương án này đã được Bộ Công an đề xuất, tuy nhiên phía Bộ GTVT lại cho rằng thực hiện phương án này thì xe cộ sẽ không đi qua tuyến tránh mà tập trung vào thị xã gây ùn tắc. Mặt khác, phương án này sẽ tạo ra tiền lệ là Nhà nước phải bố trí vốn ngân sách để trả lại cho các dự án BOT khác khi bị dân phản ứng, đồng thời phương án tài chính của BOT Cai Lậy cũng không đảm bảo.
Trong khi đó theo ông Hùng, nếu thu phí ở trạm mới là 25.000 đồng/lượt xe trong khi trạm cũ thu 15.000 đồng/lượt xe thì tất cả xe cộ sẽ đóng phí ở trạm cũ và đi vào nội ô thị xã, không vào đường tránh, tình trạng ùn tắc kẹt xe trong nội ô thị xã vẫn như cũ, chưa kể đến chuyện cánh tài xế sẽ tiếp tục phản ứng việc thu phí bất cập.
Thanh Anh