(HNMO) - Ngày 15-8, Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR) thông báo, Chính phủ Thái Lan sẽ chi 100 tỷ bath (hơn 3 tỷ USD) để xây dựng một con kênh dài 240km từ tỉnh Chai Nat đến vịnh Thái Lan nhằm ngăn lũ lụt ở khu vực miền Trung quốc gia này.
Dự án sẽ bắt đầu vào năm 2021 và cần 10 năm để hoàn thành. Đây là kế hoạch quan trọng của Thái Lan, nhằm chuyển hướng nước lũ từ thượng nguồn miền Trung ra thẳng vịnh Thái Lan, đồng thời cũng là 1 trong 9 dự án cơ sở hạ tầng quản lý nước của chính phủ nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn trận lũ lụt nghiêm trọng năm 2011.
Dự án có tên gọi “Kế hoạch quản lý lũ lụt cho lưu vực sông Chao Phraya”, do các cơ quan Chính phủ Thái Lan phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. JICA bắt đầu tư vấn cho Thái Lan về công tác quản lý lũ lụt sau thảm họa năm 2011 khiến hơn 800 người chết và hàng triệu người mất nhà cửa.
ONWR cho biết, quy hoạch kênh đào dài 240km hiện là dự án lớn nhất về vốn đầu tư và dự kiến sẽ được xây dựng cách xa các cộng đồng dân cư.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu của dự án này sẽ nâng chiều rộng của con kênh dài 100km ở tỉnh Chai Nat lên 130km. Giai đoạn thứ hai dự kiến sẽ tăng chiều dài kênh thêm 124km, bắt đầu từ tỉnh Lop Buri đến vịnh Thái Lan.