Liên quan đến vụ phanh phui gần 600 sản phẩm sữa giả, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, hoạt động sản xuất sữa giả diễn ra quy mô lớn, thời gian kéo dài nhiều năm, bán ra thị trường nhiều sản phẩm, thu lợi bất chính 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vụ việc này còn khiến dư luận bức xúc, lo ngại về sức khoẻ khi các loại sữa giả nhắm đến đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền như suy thận, đái tháo đường...
Các sản phẩm sữa giả trong đường dây vừa được phát hiện (Ảnh: VTV).
Mối nguy hiểm từ sữa giả: Đừng để “tiếp tay” cho bệnh thêm nặng
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, ThS.BS. Nguyễn Duy Anh - Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết, việc sử dụng sữa là rất cần thiết, đặc biệt với những bệnh nhân ung thư suy kiệt, ăn uống kém hoặc không thể đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày.
Theo vị bác sĩ, người bệnh ung thư thường gặp các vấn đề như mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, sụt cân, suy kiệt, do tác động của bệnh lý và quá trình điều trị. Lúc này, sữa đóng vai trò như một “bữa ăn lỏng” dễ hấp thu, giàu dinh dưỡng để cung cấp năng lượng, bổ sung protein, cung cấp vitamin và khoáng chất. Giúp dễ tiêu hóa và hấp thu, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, sụt cân và giảm căng thẳng, mệt mỏi.
“Tuy nhiên, việc lựa chọn loại sữa và liều lượng bổ sung cần tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng dung nạp và nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng bệnh nhân. Do đó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có được lời khuyên phù hợp nhất”, BS Duy Anh cho hay.
Sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá cho người bệnh ung thư (Ảnh minh hoạ)
Vị bác sĩ cho biết thêm, mặc dù sữa bổ sung có thể là “phao cứu sinh” trong giai đoạn điều trị nhưng nếu chẳng may sử dụng sữa giả, sữa kém chất lượng, bệnh nhân ung thư không chỉ mất tiền oan mà còn gánh thêm nguy cơ bệnh tật.
Cụ thể, bác sĩ Duy Anh chỉ ra hàng loạt những tác động vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng đối với người bệnh ung thư khi sử dụng phải sữa giả:
- Thiếu dinh dưỡng trầm trọng: Sữa giả thường làm từ bột rẻ tiền, không đủ dưỡng chất cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất… khiến người bệnh càng suy kiệt, mất cơ bắp, sụt cân nhanh, giảm khả năng phục hồi.
- Gây độc cho cơ thể: Một số sữa giả có thể chứa hóa chất công nghiệp, kim loại nặng, vi khuẩn gây bệnh… dẫn đến tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí tổn thương gan, thận, hệ thần kinh.
- Ảnh hưởng quá trình điều trị: Thành phần không rõ ràng có thể tương tác với thuốc điều trị ung thư, làm giảm hiệu quả hoặc gây phản ứng phụ nghiêm trọng.
- Suy giảm miễn dịch: Không những không cung cấp vi chất giúp tăng đề kháng, sữa giả còn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch – điều cực kỳ nguy hiểm với người đang hóa/xạ trị.
- Ảnh hưởng tinh thần, chất lượng sống: Dùng sữa không an toàn khiến người bệnh mệt mỏi, hoang mang, lo lắng, giảm niềm tin vào thực phẩm chức năng và hỗ trợ điều trị.
“Vấn nạn sữa giả là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với người bệnh ung thư. Việc sử dụng sữa giả không chỉ không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh”, BS Duy Anh nhấn mạnh.
ThS.BS. Nguyễn Duy Anh - Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc Tế - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Ảnh: BSCC)
Cách nhận biết và phòng tránh sữa giả
Dấu hiệu nghi ngờ sữa giả/kém chất lượng
- Giá rẻ bất thường so với thị trường.
- Bao bì nhái nhãn hiệu, in mờ, sai chính tả, không có tem chống giả của nhà sản xuất.
- Mùi vị lạ: Quá ngọt, vị tanh, hoặc có cặn khi pha.
- Kết cấu bất thường: Sữa khó tan, vón cục hoặc lỏng như nước.
Cách phòng tránh việc mua phải sữa giả
- Mua sữa tại đại lý/nhà thuốc uy tín, có giấy phép kinh doanh rõ ràng.
- Kiểm tra mã vạch, tem niêm phong, hạn sử dụng in trực tiếp trên bao bì.
- Ưu tiên sữa chuyên dụng cho bệnh nhân ung thư (như Ensure, Fortimel, Prosure) và có nguồn gốc rõ ràng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ/dinh dưỡng viên trước khi dùng để chọn loại phù hợp.
“Sữa bổ sung đúng cách có thể là “liều thuốc vàng” hỗ trợ người bệnh vượt qua giai đoạn điều trị. Nhưng nếu lựa chọn sai, nó có thể trở thành “kẻ phá hoại” âm thầm đến sức khoẻ và gây ra hậu quả nặng nề.
Do đó, người bệnh ung thư và gia đình cần hết sức thận trọng trong việc lựa chọn sữa và các sản phẩm dinh dưỡng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chất lượng sản phẩm, cần ngưng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng”, BS Duy Anh nhấn mạnh.
Thúy Ngà
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/sua-gia-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe-benh-nhan-ung-thu-d205522.html