(HNMO) - Tới 6h ngày 9-4, thế giới đã ghi nhận 1.508.224 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 88.279 người thiệt mạng, 329.542 người hồi phục.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, thương mại hàng hóa trong năm nay sẽ giảm mạnh hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, song cho biết nếu các nước phối hợp với nhau, thương mại sẽ phục hồi vào năm 2021 khi dịch được đẩy lùi. Theo WTO, thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13-32% trong năm nay.
Châu Mỹ
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ diễn biến phức tạp, khi chứng kiến thêm 25.965 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại quốc gia này lên 426.300 người. Số người thiệt mạng cũng tăng kỷ lục, lên 14.622 ca (thêm 1.781 ca so với ngày trước đó), chỉ đứng sau Tây Ban Nha và Italia.
Số người nhiễm và thiệt mạng tiếp tục tăng nhanh đã khiến kho vật tư y tế của Mỹ đối mặt nguy cơ cạn kiệt. Trước tình hình này, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho biết sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là các thiết bị bảo hộ y tế quan trọng. Sau khi thu giữ, Fema sẽ xem xét số hàng nào được giữ lại để sử dụng trong nước và số hàng nào được phép xuất khẩu.
Châu Âu
Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại châu Âu đã vượt mốc 60.000 trường hợp. Trước tác động tiêu cực của đại dịch, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 9% trong năm 2020 và tăng 7,8% trong năm 2021. Trong đó, GDP của Italia hứng chịu sự suy giảm mạnh nhất là 11,6% và sẽ tăng trở lại vào năm 2021 ở mức 7,9%. Đất nước hình chiếc ủng vẫn đứng đầu châu Âu về số ca tử vong do Covid-19 với 17.669 trường hợp (tăng 542 trường hợp), trong tổng số 139.422 ca nhiễm (tăng 3.836 ca).
Đáng chú ý, Goldman Sachs ước tính, kịch bản xấu nhất thì GDP của Eurozone sụt giảm đến 16%. Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo, GDP của Pháp sẽ giảm 7,4% trong năm 2020 và tăng trở lại 6,4% trong năm 2021; Đức ước tính giảm 8,9% và tăng 8,5%; Tây Ban Nha giảm 9,7% và tăng 8,5%. Tây Ban Nha hiện vẫn là nước châu Âu ghi nhận số người nhiễm Covid-19 lớn nhất - 148.220 người với 14.792 người đã thiệt mạng.
Các nước châu Âu vẫn duy trì lệnh phong tỏa khắt khe nhằm chống dịch lây lan. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã bác bỏ những lời kêu gọi của các doanh nghiệp được mở lại công ty, trong khi Thụy Sĩ quyết định kéo dài các biện pháp kiểm soát đại dịch thêm một tuần, tới ngày 26-4. Các quyết định này phù hợp với lời kêu gọi của Ủy ban châu Âu (EC) về việc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15-5 để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh.
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước sau khi phát hiện khoảng 40 trường hợp nghi mắc Covid-19. Một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra tình trạng lây lan trong tổng số 1.760 thành viên thủy thủ đoàn.
Châu Á
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore xác nhận có thêm 142 ca mới dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 1.623 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại Singapore. Có 40 trong tổng số 142 ca mới có liên quan tới nhiều khu nhà ở của lao động nước ngoài. Hiện nhà chức trách đã cách ly các công nhân tại 3 khu nhà ở có liên quan đến các ca nhiễm bệnh.
Malaysia đã bước vào ngày thứ 22 kể từ khi lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) có hiệu lực. Theo tờ The Star, lệnh này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 14-4 và hiện chưa có quyết định nào về việc kéo dài biện pháp này. Hiện, Malaysia có 4.119 ca nhiễm Covid-19 (tăng 156 ca so với hôm qua).
Châu Phi
Ngân hàng phát triển châu Phi đã ra mắt quỹ ứng phó dịch Covid-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia tại lục địa này những công cụ tài chính cần thiết trong bối cảnh đại dịch đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực ở các nền kinh tế vốn đã gặp rất nhiều khó khăn tại đây. Hiện số ca nhiễm ở châu Phi đã vượt 10.075 trường hợp và 487 người đã tử vong.
Châu Đại Dương
Trong tối 8-4, Quốc hội Australia đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế nước này Greg Hunt tuyên bố, Australia sẽ không thực hiện phương thức miễn dịch cộng đồng.