(HNM) - Văn bản đầy đủ của kế hoạch mang tên Sáng kiến nỗ lực hòa bình Hormuz (HOPE), từng được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra hồi tháng 9, vừa được Tehran gửi tới các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iraq.
Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng ngỏ ý sẵn sàng đối thoại với các quốc gia trong khu vực về bản kế hoạch vừa đệ trình. Động thái này được đánh giá là nỗ lực của Iran nhằm bảo vệ sự ổn định và an ninh tại khu vực, đồng thời góp phần đối phó với các vấn đề an toàn hàng hải tại eo biển Hormuz - cửa ngõ quan trọng trên tuyến vận chuyển dầu huyết mạch của thế giới.
Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nhận định, Hormuz là một eo biển hẹp nằm trên một tuyến đường biển dài, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Với độ dài chỉ khoảng 167km và rộng khoảng 33km ở điểm hẹp nhất, đây là tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới. Số liệu năm 2018 cho thấy, trung bình mỗi ngày có 21 triệu thùng dầu, tương đương 21% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Ngoài ra, hơn 1/3 lượng khí hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới cũng đi qua eo biển này.
Với vai trò quan trọng như vậy, Hormuz được mệnh danh là con đường chiến lược trên biển, kết nối các quốc gia sản xuất dầu lửa ở vùng Vịnh với thị trường rộng lớn tại khắp các châu lục. Do vậy, những căng thẳng leo thang và không có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Iran - quốc gia Trung Đông bao trọn một bên bờ của eo biển - đã có tác động không nhỏ tới an ninh hàng hải qua khu vực, kèm theo đó là những ảnh hưởng tới thị trường dầu toàn cầu.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng loạt sự cố đã diễn ra tại khu vực eo biển Hormuz như việc tàu USS Boxer của Mỹ công bố bắn hạ máy bay không người lái của Iran. Ngay sau đó, Iran bắt giữ tàu MT Riah mang quốc tịch UAE và tàu chở dầu Stena Impero của Anh… Những diễn biến này đã khiến Hormuz trở thành điểm nóng căng thẳng trên biển và có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.
Iran, với tư cách là một trong những quốc gia nắm quyền kiểm soát Hormuz, đã tận dụng tốt vị thế của mình để chống lại những áp lực nhằm vào Tehran. Tổng thống H.Rouhani từng cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển chiến lược này nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào nhằm vào Iran. Vì vậy, kế hoạch HOPE được gửi tới các nước trong khu vực, trong đó cả 6 nước GCC đều là đồng minh của Mỹ, được đánh giá là bước đi chiến lược của Tehran trước nguy cơ can thiệp từ bên ngoài.
Một trong số đó là việc Mỹ hồi cuối tháng 10 vừa qua đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xây dựng do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp và một số vật liệu đang được sử dụng liên quan tới quân đội và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Washington tin rằng đây là biện pháp để ngăn Tehran có được vật liệu chiến lược cho IRGC, lĩnh vực xây dựng cũng như chương trình hạt nhân.
Trong khi Iran theo đuổi kế hoạch HOPE với mong muốn thiết lập một nền hòa bình, hợp tác lâu dài tại khu vực và để ngỏ khả năng tham gia của tất cả các quốc gia tại vùng Vịnh và Liên hợp quốc thì Mỹ cũng đang tập hợp một liên minh riêng nhằm bảo vệ Hormuz cùng các vùng biển khác tại khu vực khỏi cái mà Washington gọi là mối đe dọa từ Tehran. Kế hoạch của Mỹ nhận được sự ủng hộ của Saudi Arabia, UAE, Australia và Anh, song lại bị hàng loạt quốc gia khác như Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc và Iraq từ chối. Giới lãnh đạo Iran cũng kịch liệt lên án sáng kiến này và khẳng định an ninh vùng Vịnh phải do các nước ở khu vực duy trì.
Trong bối cảnh đó, kế hoạch HOPE nếu thành công sẽ là cơ sở quan trọng mở đường cho các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, đồng thời tạo cơ chế đưa nước này và Mỹ trở lại đối thoại để giải quyết căng thẳng.