(HNM) - Nội các Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2021 với số tiền cao chưa từng có trong lịch sử. Động thái này nhằm bảo đảm khả năng ứng phó trước những thách thức mới, trong bối cảnh dân số đất nước Mặt trời mọc tiếp tục già hóa nghiêm trọng.
So với ngân sách từng được đánh giá là cao kỷ lục 102.658 tỷ yên của tài khóa 2020, ngân sách tài khóa 2021 tăng 3,8% lên mức 106.610 tỷ yên (tương đương 1.030 tỷ USD). Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân sách thường niên của Nhật Bản vượt ngưỡng 100.000 tỷ yên. Theo kế hoạch, chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ trình dự thảo ngân sách mới lên quốc hội Nhật Bản vào giữa tháng 1-2021. Giới phân tích cho rằng, trước thực tế đảng Dân chủ tự do (LDP) chiếm đa số ghế trong quốc hội, dự thảo được thông qua là điều chắc chắn.
Trong dự thảo mới, các khoản chi cho an sinh xã hội lên tới 35.840 tỷ yên, chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách và tăng 480 tỷ yên so với tài khóa 2020. Con số này cho thấy chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng cao do dân số già đi nhanh chóng, điều này đã gây sức ép lớn đối với kinh tế Nhật Bản. Dự thảo mới cũng bổ sung quỹ dự phòng 5.000 tỷ yên, chủ yếu phục vụ việc ứng phó với dịch Covid-19. Quỹ này cho phép Chính phủ Nhật Bản có thể sử dụng không cần thông qua quốc hội, phù hợp xử lý các tình huống khẩn cấp.
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa 2021 cũng tăng 0,5% so với tài khóa 2020, được ấn định ở mức 5.340 tỷ yên. Đây là năm thứ bảy liên tiếp ngân sách quốc phòng quốc gia này tăng cao kỷ lục, trong bối cảnh Tokyo mong muốn tăng cường năng lực trong các lĩnh vực mới như không gian mạng và vũ trụ. Cụ thể, Nhật Bản dự kiến chi 119,1 tỷ yên cho các hoạt động không gian, trong đó có việc xây dựng kính quan sát để phát hiện vũ khí siêu thanh; chi 30,1 tỷ yên để hình thành đơn vị tác chiến điện tử. Tokyo cũng sẽ chi 33,5 tỷ yên cho mục tiêu tự sản xuất tên lửa chống hạm tầm xa; 57,6 tỷ yên cho dự án phát triển thế hệ máy bay chiến đấu mới do Mitsubishi dẫn dắt nhằm thay thế loại F-2 hiện nay...
Để có được nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu ngân sách tài khóa mới, Nhật Bản dự định phát hành 43.600 tỷ yên trái phiếu, tăng 11.040 tỷ yên so với kế hoạch của tài khóa 2020. Đây là lần đầu tiên trong 11 năm Nhật Bản tăng khối lượng phát hành trái phiếu nhằm bù đắp chênh lệch thu - chi ngân sách. Trong bối cảnh nguồn thu từ thuế trong tài khóa 2021 được dự báo ở mức 57.450 tỷ yên, khoảng 40,9% chi ngân sách trong tài khóa 2021 sẽ được tài trợ bằng nợ, tăng mạnh so với mức 31,7% hiện nay. Giới phân tích dự báo, tỷ lệ này có thể còn tăng nếu chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Thực trạng trên khiến dư luận người dân Nhật lo ngại về gia tăng nợ công. Tính đến hết tài khóa 2019, nợ công của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào khoảng 1,106 triệu tỷ yên, tức gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm. Con số này dự kiến tăng lên 1,201 triệu tỷ yên khi năm tài khóa 2020 kết thúc. Hiện nay, Tokyo vẫn giữ mục tiêu đưa cán cân cơ bản - nguồn thu từ thuế trừ các khoản chi khác không kể chi phí trả nợ - về mức dương trong tài khóa 2025. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh cán cân cơ bản của Nhật Bản có thể sẽ thâm hụt tới 20.360 tỷ yên trong tài khóa 2021, tăng 10.740 tỷ yên so với kế hoạch ngân sách ban đầu của tài khóa 2020.
Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, song kế hoạch ngân sách tài khóa 2021 cũng thể hiện rõ nét tầm nhìn và quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong việc giải quyết, ứng phó với những thách thức mới phát sinh.