(HNM) - Theo The Guardian, có tới 90% người dân ở các quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 do các nước giàu đang dự trữ một lượng vắc xin lớn hơn nhiều so với nhu cầu. Đến hết tháng 11-2020, các nước giàu, vốn chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, nhưng đã mua tới 53% tổng số vắc xin tiềm năng nhất. Có 67 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng trên, Giám đốc khoa học của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết, Johnson & Johnson tuyên bố sẽ cung cấp 500 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 1-2021. Tập đoàn này thông báo, hiện vắc xin của hãng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối với khoảng 60.000 tình nguyện viên tham gia tại hơn 200 khu vực ở nhiều nước.
Trong khi đó, AstraZeneca đã cam kết cung cấp 64% lượng vắc xin sản xuất được cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng các công ty dược phẩm đang nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ tài sản trí tuệ và công nghệ của mình thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cải thiện sản lượng các loại vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm 255.200 người dân ở Thành Đô sau khi một cặp vợ chồng cao tuổi ở đây được xác định mắc Covid-19. Giới chức y tế địa phương cho biết đã phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trong thức ăn mà cặp vợ chồng này để trong tủ lạnh cũng như trên một chiếc thớt trong nhà.
Thái Lan sẽ tăng cường tuần tra, đồng thời triển khai thiết bị bay không người lái dọc biên giới với Myanmar sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 mới liên quan tới người nhập cảnh trái phép ở khu vực này.