(HNM) - Hiện dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dự thảo một nghị quyết, trong đó kêu gọi tạm ngừng xung đột trong 90 ngày nhằm tập trung cho cuộc chiến chống dịch bệnh.
Dự thảo nghị quyết mới đề cập xung đột ở các nước Syria, Yemen, Afghanistan, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Colombia và Sudan. Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột ngay lập tức ngừng chiến sự vì mục đích nhân đạo trong ít nhất 90 ngày liên tiếp. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ dân thường tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Yemen và Syria, những nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn sẽ không ứng phó được với dịch bệnh. Các bên xung đột đã hưởng ứng lời kêu gọi này và xung đột đã giảm phần nào. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, Libya, Syria, Yemen và Afghanistan, những điểm nóng chiến sự bậc nhất thế giới đã sục sôi trở lại.
Tại Syria, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib đã được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 5-3, nhưng đụng độ vẫn diễn ra. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 cũng chưa đủ để khiến chiến trường im tiếng súng.
Một lệnh ngừng bắn cũng đã được ký kết ở Libya, nhưng chiến sự chưa một ngày nào ngưng ở khu vực bao quanh thủ đô nước này. Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya (LNA) mới đây đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ năm 2015 và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước do nhận được “sự ủng hộ của nhân dân”. Bước đi mới nhất của LNA tiềm ẩn nhiều căng thẳng và có thể là động thái đầu tiên để lực lượng miền Đông dồn toàn lực để tấn công chính phủ đang nắm quyền ở Tripoli.
Tương tự như Libya, Chính phủ Yemen và phe nổi dậy Houthi cũng như nước láng giềng Saudi Arabia - quốc gia dẫn đầu liên minh quân sự tham chiến tại Yemen - đã có những phản ứng tích cực trước lời kêu gọi ngừng bắn của Liên hợp quốc. Dẫu vậy, tia hy vọng hiếm hoi này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và bạo lực lại tiếp diễn...
Như vậy, thay vì thực hiện đề nghị dừng xung đột của quốc tế, các bên đối địch ở các quốc gia đang có chiến sự lại thực hiện thêm những bước đi làm phức tạp thêm tình hình, tiềm ẩn những hậu quả thảm khốc về nguy cơ bùng nổ xung đột và giao tranh lớn cũng như sự bùng phát của đại dịch.
Cho tới giờ, chưa có những báo cáo chính thức về tình hình dịch Covid-19 tại Syria, Libya, Yemen, hay Afghanistan... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng vi rút SARS-CoV-2 không có khả năng đem tới những thảm họa nghiêm trọng. Liên hợp quốc kỳ vọng khi dự thảo nghị quyết được thông qua sẽ bảo đảm công tác hỗ trợ nhân đạo được an toàn, không bị cản trở và được thực hiện liên tục tại những quốc gia vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh.