Hôm thứ ba, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác đã ký kết một văn bản mà họ gọi là một điều lệ hợp tác mở trong việc quản lý thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Thỏa thuận này, với rất ít chi tiết được công bố, đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các chính phủ tham gia. Động thái này được khởi đầu từ nỗ lực chung của Ả Rập Saudi và Nga, nhằm chính thức hóa hai năm rưỡi điều phối sản lượng dầu, nhằm giúp giữ giá dầu ổn định trong bối cảnh hoạt động sản xuất tăng vọt, đáng chú ý là từ việc khoan dầu đá phiến ở Mỹ. Giá dầu Brent đã giảm 4% vào thứ Ba, xuống còn 62,46 USD/thùng.
Hai nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Nga bên lề G20. (Nguồn: Pool Photo/ NYT)
Thỏa thuận này, được các nhà phân tích dầu mỏ gọi là liên minh Vienna, tập hợp 24 quốc gia cùng nhau sản xuất khoảng 47 triệu thùng dầu mỗi ngày, gần bằng một nửa sản lượng của thế giới.
Mặc dù những người tham gia hoài nghi về cam kết của Nga, các nhà phân tích cho rằng, một thỏa thuận mở với OPEC có thể giúp Moscow tăng thêm sức nặng đối với một mặt hàng có tầm quan trọng kinh tế và chính trị lớn ở cả Nga và Mỹ.
Nga, nước có sản lượng dầu trung bình 11,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2018, là một trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Và thỏa thuận được công bố vào thứ ba mang đến cho Moscow, một mặt trận khác để thể hiện ảnh hưởng địa chính trị, và đó là một điều đặc biệt quan trọng đối với Hoa Kỳ, Jason Bordoff, giám đốc sáng lập Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, cho hay.
Ông Jason và các nhà phân tích khác cho biết, Nga, ngày càng liên minh chặt chẽ với OPEC và đặc biệt là với Saudi Arabia, có thể tác động lên ảnh hưởng địa chính trị của thị trường dầu mỏ trong khi khiến Hoa Kỳ phải lưu ý nhiều hơn.
Ông Putin dường như cũng đang có được sự tin tưởng của nhà hoạch định chính sách Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman. Hai nhà lãnh đạo Saudi và Nga đã gặp nhau tại Osaka một phần để thảo luận về việc hợp tác hơn nữa về các vấn đề dầu mỏ, Bộ trưởng dầu mỏ Saudi, Khalid al-Falih, cho biết hôm thứ Hai.
Bằng cách hợp tác với Saudi, các nhà phân tích cho biết, ông Putin cũng hy vọng có thể giúp cho Riyadh không lặp lại thất bại của năm 2014. Sự sụp đổ về giá dầu khi đó đồng nghĩa với việc doanh thu giảm mạnh cho Nga và các nhà sản xuất dầu khác.