Theo ông Kirill Dmitriev - người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), loại vắc xin tiềm năng này đã trải qua hai giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được đăng ký với Bộ Y tế Nga vào ngày 14.8. RDIF sẽ tham gia phát triển, sản xuất loại vắc xin này cùng Viện Gamaleya và Tập đoàn Sistema của Nga.
“Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một trong những loại vắc xin đầu tiên được phê duyệt theo quy định”, ông Dmitriev nói.
Sau khi đăng ký với Bộ Y tế Nga, vắc xin này sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba, song song đó nó cũng được thử nghiệm trên các tình nguyện viên chính là các nhân viên y tế Nga.
Công tác chuẩn bị cho việc đăng ký tiêm vắc xin đang được tiến hành và chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể bắt đầu vào tháng 10 năm nay. Các y bác sĩ và giáo viên là những đối tượng đầu tiên tham gia đợt tiêm vắc xin lần này.
Trước đó, các nhà nghiên cứu quân đội Nga đã phối hợp với Viện Gamaleya phát triển 2 loại vắc xin tiềm năng ngừa vi rút SARS-CoV-2. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin được bắt đầu từ ngày 18.6 trên 2 nhóm tình nguyện viên.
Hôm 31.7, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói rằng ông hy vọng Nga đã "thực sự thử nghiệm vắc xin" trước khi tiêm cho bất kỳ ai. Các chuyên gia lo ngại về cách tiếp cận nhanh chóng của nước này. Ông Anthony Fauci cho rằng cần phải mất từ một năm cho tới 18 tháng để có thể bào chế an toàn một vắc xin.
Trong khi đó, Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) hôm 16.7 cáo buộc nhóm tin tặc Nga APT29 còn được gọi là "Cosy Bear" tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào những tổ chức nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 của Anh, Mỹ và Canada.
Theo Reuters, NCSC đã cáo buộc hoạt động của nhóm tin tặc APT29 nằm trong chương trình của các cơ quan tình báo Nga. Các cuộc tấn công được giới chức tình báo Anh xem là nỗ lực nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ hơn là làm gián đoạn nghiên cứu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov khẳng định Nga không dính líu gì đến bất kỳ vụ tấn công tin tặc nào vào các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu ở Anh. Ông nói rằng vắc xin hàng đầu của họ dựa trên một thiết kế được phát triển bởi các nhà khoa học Nga để chống lại Ebola nhiều năm trước.
Báo WSJ cho biết, toàn thế giới hiện có hơn 100 vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng đang được nghiên cứu, phát triển; trong đó hơn 10 loại được đưa vào thử nghiệm, một số loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Long Hải (theo The New York Times)