Thử nghiệm diễn ra với 30.000 tình nguyện viên mục đích để chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Đây cũng là bước cuối cùng trước khi sản phẩm được cấp phép bởi các cơ quan quản lý toàn cầu. Theo đó, một nhóm tình nguyện viên sẽ nhận được 2 liều vắc xin 100 microgam trong vòng 28 ngày, số còn lại sử dụng một loại giả dược. Theo Moderna, nếu thành công, loại vắc xin này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay.
“Chúng tôi hy vọng vắc xin này có thể hỗ trợ trong việc giải quyết đại dịch COVID-19 và ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai”, Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna nói trong một thông báo. Ông Bancel cho biết thêm Moderna vẫn duy trì kế hoạch cung cấp khoảng 500 triệu liều vắc xin mỗi năm và có thể đạt mức 1 tỉ liều bắt đầu từ năm 2021.
Được biết, vắc xin này sử dụng RNA thông tin (còn gọi là mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch với SARS-CoV-2 ở bệnh nhân. Có nguồn gốc di truyền từ vi rút, vắc xin mRNA về cơ bản mô phỏng một ca nhiễm COVID-19 tự nhiên, đánh lừa cơ thể sản xuất kháng thể với hy vọng chúng sẽ bảo vệ chống lại nhiễm trùng trong tương lai.
Theo dữ liệu được công bố trên Tạp chí Y học New England, thử nghiệm trước đó của vắc xin đã tạo ra kháng thể ở tất cả các tình nguyện viên. Các tác dụng phụ của vắc xin bao gồm ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, nhưng về cơ bản loại vắc xin trên đang chứng minh được sự an toàn.
Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, cho biết kết quả ban đầu của thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào đầu tháng 11, 12 hoặc thậm chí sớm hơn. Ông cũng cho biết không "đặc biệt lo lắng" về tính an toàn của sản phẩm sau khi đánh giá dữ liệu thử nghiệm trước đó.
Cho đến nay, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) của Mỹ đã đầu tư gần 1 tỉ USD cho Moderna với mục đích đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin tiềm năng. Đây là một phần của Chiến dịch Warp Speed, một nỗ lực của liên bang để cung cấp vắc xin và các phương pháp điều trị COVID-19 cho công chúng Mỹ nhanh nhất có thể.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện COVID-19 sau khi dịch khởi phát vào tháng 12.2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Dịch bệnh này đã khiến hơn 16,6 triệu người nhiễm và gần 657.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,4 triệu ca nhiễm, hơn 150.000 ca tử vong.
Long Hải (tổng hợp)