(HNM) - Đúng 30 ngày sau khi thông báo với Hội đồng Bảo an về việc kích hoạt điều khoản “lùi” trong Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã chính thức tuyên bố khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Động thái đơn phương của Washington không nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế và tiếp tục đẩy căng thẳng với nước Cộng hòa Hồi giáo lên một nấc thang nguy hiểm mới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đối với Iran được tái áp dụng kể từ 7h ngày 20-9 (theo giờ Việt Nam). Lý do được đưa ra là bởi Iran đã không tuân thủ các nghĩa vụ theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trong khi Liên hợp quốc cũng không thành công trong việc gia hạn các lệnh trừng phạt để kiềm chế Tehran. Washington khẳng định hành động này nhằm “tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế”.
Các chuyên gia nhận định bước đi mới nhất của Nhà Trắng nằm trong chiến lược dài hạn nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran. Trước đó, Mỹ từng thất bại tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi dự thảo nghị quyết của nước này về việc kéo dài cấm vận vũ khí đối với Tehran bị bác bỏ vào ngày 14-8. Washington sau đó đã chuyển hướng, viện dẫn điều khoản “lùi” trong Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc về ủng hộ JCPOA để kéo dài lệnh trừng phạt chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng 10-2020. Trên thực tế, các lệnh cấm vận Iran đã được dỡ bỏ từ năm 2015 sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức). Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump sau đó cho rằng JCPOA là không đầy đủ và rút Mỹ khỏi văn kiện này vào năm 2018.
Đây chính là yếu tố khiến hầu hết các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản ứng dữ dội trước quyết định mới nhất của Nhà Trắng. Những nước này cho rằng khi Mỹ đã rút lui khỏi JCPOA thì không còn tư cách để kích hoạt cơ chế “lùi”.
Trong một bức thư chung gửi đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an, Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh mọi quyết định hay hành động đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell bác bỏ tuyên bố của Mỹ, đồng thời khẳng định JCPOA là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố chưa áp dụng trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo. Các quốc gia tiếp tục khẳng định lập trường ủng hộ JCPOA. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh chưa đưa ra hành động nào về tái cấm vận Iran do "có sự không chắc chắn" liên quan đến vấn đề trên.
Tuy nhiên, Washington tuyên bố, bất kỳ quốc gia thành viên Liên hợp quốc nào không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ đối diện với hậu quả nặng nề, trong đó bao gồm cả việc bị từ chối tiếp cận hệ thống tài chính và thị trường xứ Cờ hoa. Ngoại trưởng M.Pompeo cũng cho biết, trong ít ngày tới Mỹ sẽ ban bố một sắc lệnh cho phép Tổng thống D.Trump áp đặt trừng phạt nhằm vào những thực thể ngoại quốc (không phải là người Mỹ, doanh nhân Mỹ) vi phạm lệnh cấm.
Với việc thường xuyên duy trì mối quan hệ căng thẳng trong thời gian gần đây, sự kiện Mỹ tái áp đặt cấm vận Iran không gây ngạc nhiên lớn nhưng tiếp tục làm dấy lên lo ngại về khả năng mối bất hòa giữa hai nước sẽ bị thổi bùng mạnh mẽ hơn, làm suy yếu triển vọng giải quyết hòa bình hồ sơ hạt nhân của Tehran. Dẫu rằng Mỹ đang bị cô lập trong bước đi mới nhất nhưng sự khác biệt giữa các quốc gia về vấn đề Iran có nguy cơ dẫn tới những tranh cãi gay gắt hơn khiến Liên hợp quốc gặp nhiều khó khăn trong thực thi vai trò đẩy lùi xung đột, duy trì hòa bình.