(HNMO) - Theo The New York Times, cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa thông báo, Washington đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển, nhất là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của Mỹ về việc liệu những nước này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp Mỹ đối với việc trợ cấp xuất khẩu hay không.
Cụ thể, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi đối với: Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.
Động thái này được cho là có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với một số nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Ưu đãi đặc biệt của WTO đối với những quốc gia đang phát triển là giúp các nước nghèo có thể giảm nghèo, tạo việc làm và hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo đó, các chính phủ không được điều tra thuế chống bán phá giá nếu số tiền trợ cấp nước ngoài là tối thiểu, thường được xác định là dưới 1% giá công bố.
Các quy tắc của WTO dành ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển, nghĩa là nhóm nước này sẽ không bị điều tra thuế chống bán phá giá nếu số tiền trợ cấp dưới 2% giá công bố.
Lâu nay, chính quyền Tổng thống D.Trump đã tìm cách chấm dứt những ưu đãi đặc biệt này theo một số tiêu chí nhất định, như đối với quốc gia thành viên của các câu lạc bộ kinh tế toàn cầu: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hoặc những nước được Ngân hàng thế giới xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập cao.