Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution hôm 7.9, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện ra một loài cá hóa thạch có liên quan đến cá mập. Con cá bọc thép kỳ lạ được khai quật ở Mông Cổ dài chưa đầy 30 cm và có niên đại cách đây 410 triệu năm, có thể khiến lịch sử tiến hoá của loài cá mập phải viết lại.
Nó được xác định là một người anh em họ cổ đại của những sát thủ đại dương hiện đại. Được đặt tên là Minjinia turgenensis, sinh vật này có những mảng xương trên đầu đóng vai trò như lá chắn. Minjinia turgenensis đã lang thang trên các vùng biển thời tiền sử 170 triệu năm trước khi những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.
Tác giả nghiên cứu trên, tiến sĩ Martin Brazeau đến từ trường Cao đẳng Hoàng gia London cho biết: “Con cá có thể dài từ 20 đến 30 cm. Hiện chỉ có một phần của hộp sọ được bao phủ bởi một lớp giáp xương dày. Chúng tôi biết từ mối quan hệ của nó với các loài cá tương tự khác ở thời điểm này, nó có thể đã có một lớp giáp rộng ở mặt và vai”.
Theo ông Brazeau, phát hiện cho thấy cá mập có xương và sau đó mất chúng thay vì giữ nguyên trạng thái sụn ban đầu trong hơn 400 triệu năm. “Đó là một khám phá rất bất ngờ. Bộ xương bên trong là một sự đổi mới độc đáo từ tổ tiên của loài cá mập hơn 400 triệu năm trước. Đây là bằng chứng rõ ràng về bộ xương bên trong ở người anh em họ của cá mập”.
Tiến sĩ Brazeau giải thích thêm rằng nếu cá mập có bộ xương và mất nó, đó có thể là một sự thích nghi tiến hóa. Một bộ xương nhẹ hơn sẽ giúp chúng dễ di chuyển hơn trong nước và bơi ở các độ sâu khác nhau. Đây có thể là điều đã giúp cá mập trở thành một trong những loài cá toàn cầu đầu tiên, lan rộng ra các đại dương trên khắp thế giới 400 triệu năm trước.
Nhóm nghiên cứu của Brazeau cho biết kết quả nghiên cứu chỉ dựa vào một mẫu hoá thạch, vì vậy các phát hiện tiếp theo cần được thực hiện một cách thận trọng. Họ hiện đang nghiên cứu nhiều hóa thạch hơn từ cùng một địa điểm để có thể sớm đối chiếu những phát hiện với nhiều bằng chứng hơn.
Trang Nhung (theo Newsweek)