(HNM) - Hôm nay (8-8) đánh dấu tròn 53 năm Ngày Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thành lập. Được đánh giá là một trong những hình mẫu tổ chức khu vực thành công nhất, vượt qua hàng loạt thách thức trong tiến trình phát triển, ASEAN đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng, đưa các giá trị của cộng đồng ra thế giới.
Nhìn lại hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, kể từ thời điểm 5 quốc gia sáng lập ký Tuyên bố Bangkok năm 1967, đến nay ASEAN đã mở rộng thành một cộng đồng 10 thành viên. Với dân số khoảng 650 triệu người, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 đạt trên 3.000 tỷ USD.
Không chỉ thúc đẩy hợp tác trong hiệp hội, ASEAN còn khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn và cơ chế khu vực, với sự tham gia và đóng góp của cả các đối tác: ASEAN+, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Đặc biệt, 2020 là năm bản lề đánh dấu một nửa chặng đường hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội với mục tiêu xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, kể từ khi thành lập, ASEAN đã tham gia vào nhiều sáng kiến về ngoại giao, ngăn ngừa xung đột, đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc hòa bình và an ninh khu vực.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động trên thế giới và ASEAN cũng không ngoại lệ. Do đó, 2020 là một năm đặc biệt không chỉ với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN mà còn với cả hiệp hội khi các hoạt động đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh những mục tiêu cốt lõi, ASEAN giờ đây có thêm một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng kế hoạch ứng phó và phục hồi toàn diện hậu Covid-19. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp, bám sát nội hàm của chủ đề mà Việt Nam với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN 2020 đề ra là "Gắn kết và chủ động thích ứng".
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.
Trong thông điệp chúc mừng 53 năm thành lập hiệp hội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định, trong nhiều thập kỷ ASEAN đã thúc đẩy một khu vực ổn định, thịnh vượng và hòa bình hơn. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá, những thành tựu này là kết quả của nhiều thập kỷ xây dựng lòng tin, hợp tác và duy trì thị trường chung mở. Những thành công mà ASEAN đạt được là cơ sở để củng cố vị thế, tiếng nói của hiệp hội trên trường quốc tế và cũng chính là minh chứng đúng đắn về con đường vun đắp sức mạnh và tinh thần cộng đồng mà ASEAN đã kiên trì theo đuổi.
Sáng 7-8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Lễ Thượng cờ ASEAN 2020. Cùng dự có Đại sứ các nước ASEAN, Trưởng đoàn Ngoại giao, Đại sứ nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, với phương châm “Tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng”, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế cùng xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và tự cường, tiến lên phía trước.