Đó là một trong những yêu cầu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đối với các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 5.
Khắc phục sự cố điện trên địa bàn tỉnh Bình Định (Ảnh: baobinhdinh.vn)
Theo báo cáo nhanh ngày 1/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của bão số 5 đã làm 1 người mất tích và 14 người bị thương tại Quảng Ngãi; 179 nhà bị sập; 2.114 nhà bị hư hỏng; 200 nhà bị ngập.
Về tàu thuyền, 3 tàu vận tải bị mắc cạn tại Bình Định. Trong đó, 2 tàu đã được lai kéo, 1 tàu đang tiếp tục lai kéo; 79 tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng (Bình Định 45; Phú Yên 34).
Về nông nghiệp, 218 ha lúa bị thiệt hại tại Phú Yên; 5.303 ha hoa màu bị thiệt hại tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; 72 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại. Bên cạnh đó, 23.152 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.613 cây xanh bị gãy, đổ.
Ảnh hưởng của bão số 5 đã làm sạt lở 2.000 m, hư hỏng nặng 200 m kè biển Nhơn Hải, tuyến đê Đông sạt mái hạ lưu 127 m, 1 tràn bị trôi tại Bình Định.
Về giao thông, hư hỏng 2.800 m đường giao thông tại Bình Định và sạt lở 12.935 m3 đất đá tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.
Nhiều địa phương thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Tính đến 7h ngày 1/11, Phú Yên đã khắc phục được 85%, còn 9 xã dự kiến trong ngày khắc phục xong; Bình Định đã khắc phục được 60%, Quảng Ngãi 90%.
35 điểm trường tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị hư hỏng.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa bão số 5, cần tiếp tục tổ chức khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông, chủ động các biện pháp phòng tránh. Tăng cường kiểm tra, di dời dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu. Duy trì lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.