Trong những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của dịch do Coronavirus gây ra, giá khẩu trang, nước rửa tay tăng lên “chóng mặt”, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng này bị xử phạt vì tăng giá, không niêm yết giá. Theo đó, vài ngày gần đây, nhiều nhà thuốc ở Chợ thuốc Hapilico đã đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang” và dung dịch rửa tay/sát khuẩn.
Không chỉ ngừng bán, trên mạng xã hội Facebook có tên “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” có một số bài viết kêu gọi các nhà thuốc không bán khẩu trang.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho rằng, có một số nghề bắt buộc phải tuân theo đạo đức nghề nghiệp như nhà giáo, luật sư, bác sĩ... và dược cũng thế.
Theo đó, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp người hành nghề dược được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành như sau: Tận tụy vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân... Do đó, việc các dược sĩ kêu gọi trên mạng xã hội, ngưng nhập khẩu trang, treo biển hiệu để phản đối là hành vi cần đáng lên án và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Theo ông Bình, Điều 31 Luật Dược quy định nghĩa vụ của người hành nghề dược: Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược... Do đó, nếu ai vi phạm sẽ bị tịch thu Chứng chỉ hành nghề và đương nhiên buộc phải đóng cửa nhà thuốc, do đó chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đúng với quy định pháp luật và kịp thời.
Đồng thời, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giá đều xem hành vi lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để trục lợi đều là hành vi vi phạm và tình tiết tăng nặng. Luật hình sự cũng xem hành vi này là Tội đầu cơ.
Cụ thể, đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay được xem là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh do Coronavirus được quy định tại Điều 15 Luật giá năm 2012, theo đó hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương. Ví dụ tại Đà Nẵng đã đưa mặt hàng khẩu trang vào bình ổn giá với mức giá 2.500 đồng/cái.
Luật giá năm 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Điều 17 Nghị định 109 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý .
Về hình sự theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Tội đầu cơ.
Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tù lên đến 15 năm nếu hàng hóa trị giá 3 tỉ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên…
Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc dừng bán khẩu trang không vi phạm pháp luật, tuy nhiên hành vi kêu gọi và thỏa thuận cùng nhau dừng bán khẩu trang thì có nguy cơ vi phạm quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (được quy định trong Luật Cạnh tranh 2018).
Về thỏa thuận, trên trang mạng xã hội “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” có một số bài viết kêu gọi các nhà thuốc dừng nhập và bán khẩu trang cho người tiêu dùng. Đây là yếu tố có thể bị xem xét để xác định có phải là một thỏa thuận dừng bán giữa các nhà thuốc hay không. Nếu xác thực đây là hành vi cụ thể của một nhà thuốc và được các nhà thuốc khác hưởng ứng làm theo thì đó là căn cứ xử lý.
Về thị trường liên quan và thị phần, nếu các nhà thuốc dừng bán khẩu trang có thị phần từ 30% trở lên thì họ sẽ bị xử lý vì vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo Luật Cạnh tranh, mức phạt tối đa các nhà thuốc phải chịu là 10% tổng doanh thu năm 2019. Tuy nhiên mức phạt chính thức có thể thấp hơn, dưới 1% doanh thu cũng có.
Lam Thanh