(HNMO) - Ngày 9-5, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các nước hợp tác để tái thiết nền kinh tế thế giới vốn đang chao đảo do đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn cao đang phủ bóng đen lên viễn cảnh kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu IMF nêu rõ, dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu là "một cuộc khủng hoảng phức tạp hơn những gì chúng ta từng trải qua, với những cú sốc liên tiếp giáng vào sức khỏe và các nền kinh tế, đẩy đời sống kinh tế của chúng ta vào tình trạng gần như kết thúc hoàn toàn". Tình hình rất khó để dự đoán vì thế giới vẫn đang tìm hiểu cách thức hoạt động của vi rút SARS-CoV-2 và cách khống chế hiệu quả dịch Covid-19. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ quan ngại về tác động của đại dịch đối với dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, kêu gọi các nước và các nhà hoạch định chính sách tránh những hạn chế thương mại, nhất là với thiết bị y tế.
Hiện, các nhà kinh tế lo ngại đại dịch sẽ đẩy thế giới vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng vào những năm 30 của thế kỷ trước. Nhiều dữ liệu kinh tế đã phản ánh mức độ thiệt hại to lớn do Covid-19 gây ra. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm mạnh còn 4,8%, trong khi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 3,8% trong quý I-2020. Ngoài ra, IMF dự đoán nền kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua.
Cùng ngày, con số thống kê các ca nhiễm bệnh ở nhiều quốc gia cho thấy, dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Châu Á
Ngày 9-5, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 533 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.645 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 16 ca, lên 959 ca. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 2.607 người. Nhà chức trách Indonesia kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ quy định ở trong nhà để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ngày 9-5, Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động trước nguy cơ bùng phát ổ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mới. Đây là biện pháp tình huống mà Seoul thực hiện sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với SARS-CoV-2 do đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận ở khu phố Itaewon hồi tuần trước. Ước tính, khoảng hơn 1.500 người thuộc diện F1 do tiếp xúc gần với thanh niên này. Điều đáng chú ý là cơ quan y tế Hàn Quốc chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân 29 tuổi này do không có tiền sử đi du lịch nước ngoài và cũng chưa được xác nhận có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 nào hay không.
Châu Âu
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Nga, trong ngày 9-5, nước này tiếp tục ghi nhận số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở mức cao, với 10.817 trường hợp tại 84 chủ thể liên bang, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 198.676 và 1.827 trường hợp đã tử vong. Thủ đô Mátxcơva vẫn là địa phương có nhiều người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhất với 104.189 ca.
Châu Mỹ
Tổng thống Peru Martin Vizcarra tuyên bố sẽ gia hạn lệnh cách ly xã hội cho đến ngày 24-5 do các ca nhiễm bệnh vẫn gia tăng trong thời gian qua. Đây là lần thứ tư quốc gia Nam Mỹ kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc, nơi có số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao thứ hai ở Mỹ Latinh chỉ sau Brazil.
Còn tại Paraguay, Tổng thống Mario Abdo bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của vi rút SARS-CoV-2 tại Brazil, đồng thời cho rằng đây là "mối đe dọa lớn" đối với Paraguay. Trong thông báo, Tổng thống Mario Abdo cho biết, đã điều động thêm nhân lực, kể cả huy động quân đội, đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên tuyến biên giới với Brazil.
Tính đến 18h30 ngày 9-5, trên thế giới đã có 4.034.828 ca mắc Covid-19, 276.707 bệnh nhân đã tử vong.