(HNMO) - Tính đến 6h ngày 4-6, toàn thế giới có 6.554.060 ca mắc Covid-19, trong đó có 386.257 trường hợp tử vong và 3.144.761 bệnh nhân đã hồi phục.
Ngày 3-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thế giới ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày trong vòng 5 ngày qua.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Điều dưỡng quốc tế, hơn 230.000 nhân viên y tế trên khắp thế giới đã mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, trong đó có 600 người đã tử vong. Tổ chức này cũng kêu gọi các chính phủ thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế trong quá trình ứng phó dịch bệnh.
Châu Mỹ
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết châu Mỹ tiếp tục chiếm phần lớn số các ca mắc mới Covid-19. Tốc độ lây lan tại khu vực Trung và Nam Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tại Brazil, Peru và Nicaragua. Brazil hiện có số ca dương tính cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, với 577.413 ca mắc Covid-19 và 32.117 trường hợp tử vong.
Reuters ngày 4-6 đưa tin, quan chức y tế cấp cao Hugo Lopez-Gatell của Mexico dự báo, số người tử vong do dịch Covid-19 tại nước này có thể lên tới 30.000 người, và tỷ lệ tử vong còn có thể cao hơn nếu các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng quá nhanh. Đến nay, Mexico là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ bảy thế giới, với 10.637 ca tử vong trên tổng số 97.326 người nhiễm bệnh.
Châu Âu
Chính phủ Bỉ và Đức sẽ mở cửa lại biên giới và dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Anh từ ngày 15-6 sau khi xem xét tình hình dịch bệnh tại khu vực. Công dân của cả 2 nước sẽ được phép tới các nước thuộc EU, Anh và 4 quốc gia thuộc Hiệp ước Schengen về tự do đi lại, gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, khuyến cáo hạn chế đi lại cùng các hướng dẫn sẽ được áp dụng để thay thế cho lệnh cấm đi lại. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo không nên tới Anh nếu không thật sự cần thiết vì xứ sở sương mù vẫn áp đặt quy định cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh.
Ngày 3-6, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định các biện pháp cách ly đối với hầu hết khách quốc tế nhập cảnh vào nước này từ ngày 8-6 tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này không tăng trở lại, trong bối cảnh nhiều nước đang dỡ bỏ các quy định về cách ly và hạn chế đi lại.
Trong ngày 4-6, Thủ tướng B.Johnson sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về vắc xin, trong đó kêu gọi các quốc gia cam kết tài trợ cho việc phòng ngừa dịch bệnh và giúp các nước nghèo nhất giải quyết cuộc khủng hoảng do Covid-19. Hội nghị đặt mục tiêu quyên góp ít nhất 7,4 tỷ USD cho Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).
Trong khi đó, Bộ Du lịch Tây Ban Nha đang thảo luận kế hoạch từng bước mở cửa biên giới cho du khách từ các nước đang ghi nhận những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch và có thể bắt đầu từ ngày 22-6 tới. Trước đó, nước này đã ấn định ngày 1-7 sẽ mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez cũng dự kiến dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 21-6, đồng nghĩa với việc người dân nước này có thể đi lại tự do hơn.
Châu Á
Nhóm hỗ trợ phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 của Hàn Quốc đã quyết định tăng thêm ngân sách cho việc nghiên cứu vắc xin chống lại đại dịch này. Nhóm sẽ hỗ trợ 1.000 tỷ won cho các dự án phát triển mô hình phòng dịch, phát triển công nghiệp và toàn cầu hóa. Trong nửa cuối năm nay, khoảng 100 tỷ won sẽ được chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và các thử nghiệm lâm sàng liên quan.