(HNM) - Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với chương trình nghị sự tập trung vào tìm giải pháp hướng tới kiến tạo một trật tự thế giới công bằng và bền vững. Thông qua việc tăng cường hoạt động hỗ trợ nhiều mặt giữa 6 nước thành viên, CSTO đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác để thực hiện tham vọng trở thành đối trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại phiên họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch đương nhiệm của CSTO, các nhà lãnh đạo đã đưa ra một số quyết định liên quan đến sự phát triển của hợp tác quân sự, chiến lược chống ma túy của CSTO, kiểm tra chất lượng vũ khí chiến đấu hạng nặng do CSTO đồng thiết kế và sản xuất, nâng cao công tác đào tạo nhân sự cho các cơ quan chính phủ của các nước thành viên, đào tạo nhân lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình, cơ cấu và cách bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO... Cuộc họp của các nhà lãnh đạo CSTO diễn ra đúng lúc NATO vừa có cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng kéo dài 2 ngày. Cuộc họp tập trung thảo luận về hàng loạt vấn đề như sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu, tương lai của NATO, quan hệ giữa NATO với Nga và các đối tác, kiểm soát vũ khí, an ninh khu vực…
CSTO được thành lập năm 2002 với 6 quốc gia thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia và Kyrgyzstan. Đây được cho là không gian phòng thủ thay thế Khối Hiệp ước Vácxava, vốn tan rã vào đầu năm 1991 sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Trước tốc độ “Đông tiến” đáng lo ngại của Liên minh châu Âu (EU) và NATO, sự xuất hiện của CSTO hy vọng dựng lên được một đường ranh giới đối với không gian ảnh hưởng của Nga, đồng thời củng cố vị thế của Mátxcơva trên các diễn đàn quốc tế.
Trong vòng một thập kỷ kể từ khi thành lập, nhiều hoạt động của CSTO đã khiến không ít quốc gia phương Tây phải “dè chừng”. Các cuộc diễn tập quân sự giữa các nước thành viên ngày càng lớn hơn và diễn ra thường xuyên hơn. Việc thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (CRRF) vào năm 2009 đã củng cố uy tín và thanh thế của tổ chức này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ và EU áp đặt trừng phạt lên xứ sở Bạch dương vào năm 2014 do vấn đề Ukraine, các hoạt động của CSTO cũng chịu tác động không nhỏ. Cho dù Nga vẫn tiếp tục dẫn dắt các cuộc tập trận, huấn luyện chung với các thành viên CSTO, song khối này vẫn chưa thể trở thành một liên minh quân sự mạnh như kỳ vọng. Ngoài ra, thời gian gần đây, một số thành viên của CSTO liên tục phải đối phó với những vấn đề nội bộ. Đây được cho là nguyên nhân có thể dẫn tới sự suy yếu của CSTO.
Tại Belarus, sau cuộc bầu cử ngày 9-8 với chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Aleksander Lukashenko, nhiều cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức đã diễn ra để phản đối kết quả này. Mặc dù hiện tại, căng thẳng đã lắng xuống nhưng sự chia rẽ trong nội bộ đất nước vẫn là mối bất ổn tiềm tàng.
Còn Armenia cũng vừa trải qua những xung đột nghiêm trọng với Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ngày 10-11, hai bên đã ký một tuyên bố chung đồng ý đình chiến nhưng nhiều người dân Armenia cho rằng hành động này giống như sự đầu hàng và yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức.
Theo các nhà phân tích, thách thức lớn nhất với CSTO là việc thiếu đi cơ chế hỗ trợ cụ thể trong trường hợp các thành viên bị đe dọa về an ninh từ bên ngoài. Điều này sẽ khiến tổ chức 6 thành viên chỉ hoạt động trên nền tảng của những hợp tác quốc phòng hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, CSTO còn nhiều việc cần triển khai, đặc biệt là tăng cường sức mạnh nội lực của từng thành viên cũng như cải tổ các cơ chế hợp tác. Đây sẽ là những yếu tố quyết định tới triển vọng của tổ chức này trong tương lai.