Hộ nghèo và đối tượng chính sách xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến điểm giao dịch của NHCSXH nhận và hoàn trả vốn vay. Ảnh: PV
Theo ông Lê Thanh Võ, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 – CT/TW của Ban Bí thư, đến nay toàn tỉnh đã có trên 120.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, với tổng doanh số cho vay trên 2.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 1.300 tỷ đồng, giúp trên 57.000 lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 14.300 lao động; 227 lao động đi làm việc có thời hạn; trên 11.400 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; giúp xây dựng trên 35.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây hơn 6.700 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách...
“Bên cạnh đó, tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng trên 727 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị 40 của Ban Bí thư. Tổng dư nợ đạt hơn 1.956 tỷ đồng, tăng trên 674 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, với gần 89.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, NHCSXH các cấp đã tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo và các gia đình chính sách khác có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi và kịp thời. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp” – ông Võ nói.
Nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được đầu tư đến 64 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Bạc Liêu, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi và kịp thời; trên 75% dư nợ tín dụng chính sách đã được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thông qua nguồn vốn ưu đãi ngày càng có nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, như mô hình nuôi heo, nuôi cá, tôm, mô hình trồng hoa màu, rau sạch; vay vốn buôn bán, sản xuất kinh doanh nhỏ… được người dân áp dụng hiệu quả, trả lãi, vốn đúng hạn để đồng vốn tiếp tục cho những hộ nghèo khác vay sản xuất kinh doanh.
Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Nhiên ở ấp Bửu Đông (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải – Bạc Liêu) rất khó khăn. Nhà chỉ có 1,5 công đất trồng màu, nhưng vì canh tác lâu năm khiến đất bạc màu mà không có vốn cải tạo, nên năng suất không cao. Căn nhà gia đình anh Nhiên ở thì lụp xụp, xiêu vẹo. Nhưng từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế và xây lại căn nhà đã làm thay đổi cuộc sống gia đình ông. Với số tiền trên, anh Nhiên tiến hành cải tạo lại đất vườn để trồng ớt. Nhờ chí thú làm ăn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, gia đình ông đã được công nhận thoát nghèo.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thắm là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Trần Nghĩa, xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, hai vợ chồng phải làm thuê và mua bán nhỏ. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Thắm, Hội LHPN xã Vĩnh Hưng hướng dẫn cho gia đình chị tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn của tổ hùn vốn phụ nữ. Được vay vốn 18 triệu đồng, chị Thắm xây chuồng trại để chăn nuôi heo. Mỗi năm chị bán heo thu lãi vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, chị tiết kiệm trong chi tiêu để hàng năm mua 5 công đất ruộng và làm 2 vụ lúa/năm, đồng thời trồng hoa màu ngắn ngày. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ổn định và đã thoát nghèo . Chị Thắm chia sẻ: “Bản thân người phụ nữ phải cố gắng vươn lên, khẳng định mình bằng nghị lực, bản lĩnh, không chịu khuất phục trước những khó khăn”. Chị luôn thông cảm và chia sẻ với mọi người, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn. Với chị, niềm vui là thấy được nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Hiện nay, chị làm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, đồng thời là Chi hội trưởng phụ nữ ấp. Chị đã giới thiệu hàng chục hội viên phụ nữ khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay của Hội LHPN xã để đầu tư sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Trồng màu chuyên canh (các loại rau) ở xã Vĩnh Hưng. Ảnh: PV
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng và UBND các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn và chất lượng tín dụng từng bước được nâng lên. Nguồn vốn cho vay của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn. Đồng thời góp phần ổn định tình hình kinh tế –xã hội ở địa phương, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt là đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,55% (năm 2015) xuống còn 4,3% (vào cuối năm 2018). “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tạo được sự chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng điểm giao dịch tại xã; củng cố nâng cao các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn. Các đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho các đối tượng vay vốn thuộc hộ nghèo trong việc thực hiện trách nhiệm trả nợ, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại việc khoanh nợ, xóa nợ” – bà Nam nói./.