Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, hiện nay phí vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí do Quốc hội ban hành. Vì vậy, TP.Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, và Chính phủ cũng có văn bản giao cho các bộ xem xét vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản cho phép UBND TP.Hà Nội xây dựng đề án.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, Hà Nội đã chủ trì với các cơ quan của Bộ GTVT hoàn thiện đề cương đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có uy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình về đề án lên UBND TP và UBND TP đã có văn bản chấp thuận chủ trương, nguyên tắc và mục tiêu… của đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số tuyến phố trong nội thành có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Sở cho biết đã khảo sát và thống nhất với đơn vị tư vấn sẽ phân ra từng khu vực, từng tuyến phố có nguy cơ ùn tắc để hạn chế xe cơ giới vào. Khu vực đầu tiên được Sở GTVT đề xuất xác định để phân vùng cho xe ô tô vào sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng thành phố sẽ lập trạm thu phí tự động tại khu vực vành đai 3. Đây là phương án thu phí hiện đại đang được các thành phố phát triển trên thế giới áp dụng, phương án thu phí (trừ tiền) tự động này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện và cũng không gây ùn ứ giao thông trên đường.
Khi thực hiện phương án trên, chính quyền thành phố cũng yêu cầu tất cả chủ phương tiện ô tô mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phát tín hiệu tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cùng với đó là cơ quan chức năng có cơ sở xử phạt “nguội” khi ô tô đi vào nội đô vi phạm các lỗi như dừng đỗ không đúng quy định, chạy sai làn, lấn làn, vượt đèn đỏ…
Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 6 triệu phương tiện, trong đó hơn 5 triệu xe máy, 540.000 ô tô.
Trước đó, tại TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi UBND TP về chủ trương đầu tư dự án thu phí xe ô tô vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông. Theo đó, các khu vực trung tâm TP.HCM bao gồm các quận 1, 3 và giáp ranh các quận 5, 10 sẽ là địa điểm thực hiện dự án.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021.
Phạm vi vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo bờ kênh Thị Nghè - Nhiêu Lộc; đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám; đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.
Lam Thanh