Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10.2019, giá heo hơi trong nước tăng mạnh. So với cuối tháng 9.2019, giá heo tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 8.000 - 14.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 50.000 - 63.000 đồng/kg. Sau khi vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi trên cả nước đã chững lại.
Ngày 30.10, tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi dao động từ 59.000 - 63.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 14.000 đồng/kg so với cuối tháng 9.2019. Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 48.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Giá heo hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 52.000 - 62.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 16.000 đồng/kg so với cuối tháng 9.2019.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nguyên nhân giá heo hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt heo giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động. Ngoài ra, việc Trung Quốc nhập khẩu thịt heo với giá cao cũng gây sức ép cho thị trường trong nước.
Được biết, đàn heo cả nước tháng 10.2019 đã giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2018, do chịu ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt heo hơi trên thị trường gia tăng.
Đáng chú ý, trước tình hình dịch bệnh ở heo, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng từ nuôi heo sang nuôi gia cầm và các cơ sở chủ động tăng đàn khiến chăn nuôi gia cầm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặt khác, tính đến hết tháng 9.2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tại Đồng Nai - địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước, khi dịch bệnh tả heo châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi heo đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tính đến hết tháng 9 năm 2019, tổng đàn gà của riêng tỉnh Đồng Nai đạt hơn 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với thời điểm tháng 4.2019.
Tuy nhiên, tình trạng tăng đàn ồ ạt dẫn đến cung vượt quá cầu, khiến giá bán gia cầm giảm sâu, gây thua lỗ. Cụ thể, ngày 22.10, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông mầu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước ở mức 25.000 - 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9.2019 (16.000 - 18.000 đồng/kg), là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.
Số liệu công bố của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%.
Thịt gà nhập khẩu tập trung vào 2 loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Phan Diệu