(HNMO) – Tính tới 18h ngày 21-4, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 2.499.501 người. Trong đó, 171.334 trường hợp đã tử vong, 659.899 người được chữa khỏi.
Ngày 20-4, tất cả 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, kêu gọi cách tiếp cận công bằng, hiệu quả và kịp thời đối với bất kỳ loại vắc xin nào trong tương lai được phát triển để phòng, chống Covid-19. Nghị quyết cũng nêu bật vai trò đi đầu then chốt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây, trong giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra.
WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ra tuyên bố chung khẳng định nhu cầu cấp thiết đối với vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2, làm nổi bật vai trò then chốt của hoạt động tiêm chủng đối với việc bảo vệ tính mạng người dân và các nền kinh tế. Tuyên bố này nêu rõ: “Khi các hoạt động tiêm chủng thường kỳ bị bỏ lỡ, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sẽ gia tăng”.
Trước việc nhiều nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại, ngày 21-4, WHO cảnh báo, bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 phải được thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO đang phối hợp với các tổ chức khác đặt 30 triệu bộ xét nghiệm trong vòng 4 tháng tới và giao các thiết bị bảo hộ, vật tư y tế cho 40 quốc gia. WHO cũng có kế hoạch chuyển khoảng 180 triệu khẩu trang phẫu thuật, 54 triệu khẩu trang N95 và hơn 3 triệu kính bảo hộ cho các quốc gia có nhu cầu trong tháng 4 và 5. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định các chuyên gia Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch này.
Châu Âu
Một số quốc gia châu Âu đang xem xét kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Cụ thể, Đan Mạch đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại và sẽ cho phép việc tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10-5 tới.
Áo cho biết đang xem xét khả năng mở biên giới vào mùa hè cho khách du lịch từ Đức và các quốc gia khác kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Về phần mình, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, trước cuối tuần này, Rome sẽ công bố các kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa, bắt đầu từ ngày 4-5 tới.
Đi ngược lại “trào lưu”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố lệnh phong tỏa trong 4 ngày tại 31 tỉnh kể từ 0h ngày 23-4 đến 24h ngày 26-4. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý mục tiêu của nước này là sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng lễ Ramadan trong tháng 5.
Giới chức bang Bayern (Đức) đã chính thức quyết định hủy lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest), lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới, để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch Covid-19.
Châu Á
Tại Singapore, với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1-6, mặc dù thời hạn cách ly xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khẳng định, các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế đi lại sẽ chỉ được gỡ bỏ khi con số lây nhiễm trong cộng đồng xuống mức 1 con số.
Chính phủ Campuchia thông báo miễn thuế 3 tháng cho các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và những hãng lữ hành bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ưu đãi này có hiệu lực từ tháng 3 tới tháng 5, dành cho các đơn vị kinh doanh có đăng ký với Tổng cục Thuế tại thủ đô Phnom Penh, các tỉnh Siem Reap, Preah Sihanouk, Kep, Kampot, thành phố Bavet và Poipet.
Châu Mỹ
Chính phủ Argentina xác nhận sẽ mở rộng gói hỗ trợ kinh tế lên tới 850 tỷ peso (khoảng 13 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chile cũng sẽ cung cấp phiếu hỗ trợ khẩn cấp hằng tháng cho khoảng 1,8 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Biện pháp này sẽ kéo dài trong 3 tháng.