Ngày 29-9, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bắt đầu vòng đàm phán thứ 9 để thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Cuộc đàm phán trong 4 ngày tập trung vào những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá, cùng các chủ đề khác như thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng và hợp tác tư pháp. Cả hai bên tuyên bố rằng đang cùng hướng tới một mục tiêu là đạt thỏa thuận vào cuối tháng 10-2020, cho phép tiến trình phê chuẩn của Quốc hội diễn ra, cả ở EU cũng như tại Anh. Điều này cũng giúp thỏa thuận có thể có hiệu lực vào ngày 1-1-2021, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.
Dù vậy, hai bên sẽ phải giải quyết một số vấn đề chưa đạt được sự thống nhất trước đây. Rõ nhất là về cạnh tranh công bằng, EU muốn Anh cam kết rằng các quy định của Anh trong các lĩnh vực như viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU. Còn chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này.
Trong lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cuối cùng của EU là duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện đang có. Ngược lại, London dự định đàm phán hằng năm về hạn ngạch với các nước trong khối.