Theo tính toán của Tổng giám đốc Husk Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, với số lượng phế phẩm vỏ trấu mà các cơ sở xay xát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thải ra, đảm bảo công suất trong giai đoạn đầu là khoảng 3.000 tấn biochar, tương đương 3.000 tín chỉ carbon.
Sản xuất than sinh học từ vỏ trấu của Husk
Cũng theo ông Tuấn, than sinh học được thu về từ quá trình nhiệt phân vỏ trấu trong môi trường ít oxy, ở nhiệt độ 450-600 độ C. Theo đó, hai tấn vỏ trấu nguyên liệu sẽ sản xuất ra một tấn biochar. Và theo giá thị trường trong thời gian gần đây, một tấn than sinh học có giá bán giao động từ 300 - 400 USD, cùng đó là nguồn thu từ bán từ bán tín chỉ carbon - hơn 100 USD/tấn.
Theo đó, từ hai tấn phế phẩm vỏ trấu, sau sản xuất, doanh nghiệp sẽ thu về được khoảng 500USD. Tuy nhiên theo ông Tuấn, việc ứng dụng các sản phẩm biochar sau khi bán tín chỉ khá nghiêm ngặt, cần báo cáo tính tuân thủ. Cụ thể, người mua than sinh học phải cam kết sử dụng cho cây trồng và đánh giá khả năng phát sinh CO2 trong quá trình ứng dụng. Nếu phát thải, lượng tín chỉ được cấp sẽ phải bù trừ.
Được biết, hiện Husk đang bán tín chỉ carbon cho các tổ chức châu Âu trên thị trường tự nguyện Campuchia.
Theo Tổng giám đốc Husk Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam rất tiềm năng với nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào, phù hợp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất than sinh học như vỏ cà phê, bã mía, vỏ dừa, phế phẩm từ cây keo.
Trước đó, tại sự kiện mắt thương hiệu Husk ở Lâm Đồng, Công ty TNHH Husk Việt Nam cũng đã giới thiệu giải pháp Biochar của Husk - Giải pháp nông nghiệp tuần hoàn tái tạo, với nguồn carbon hữu cơ được bổ sung, duy trì và ổn định, lưu trữ trong đất hàng trăm năm, giúp đất quay trở về cấu trúc tự nhiên nhất. Từ đó, giúp cho bà con tối ưu hiệu suất cây trồng, giảm chi phí phân thuốc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Husk Phạm Văn Lợi, khẳng định: “Sứ mệnh của chúng tôi là: cải tạo đất, chôn vùi carbon, là cải thiện cuộc sống của bà con nông dân, Husk phát triển một quy trình nhiệt phân yếm khí để biến đổi vỏ trấu thành than sinh học Biochar. Các sản phẩm của Husk khi sử dụng trên cây trồng, carbon sẽ được chôn vùi và lưu trữ trong hàng trăm năm. Là một công ty tiên phong trong việc phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thông minh từ Biochar, chúng tôi hi vọng rằng Biochar chính là chất xúc tác để chuyển đổi nền nông nghiệp tái tạo trên toàn cầu”.
Lê Lĩnh
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/dua-giai-phap-nong-nghiep-tuan-hoan-tai-tao-ve-vua-lua-lon-nhat-nuoc-14924.html