Phải rộng đường dư luận
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu. Đây là công trình thủy lợi kết hợp giao thông quy mô lớn, với tổng mức đầu tư 1.498 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2021.
Theo thiết kế, công trình gồm các hạng mục chính: Cống ngăn sông gồm 19 khoang (bờ nam 11 khoang, bờ bắc 8 khoang), mỗi khoang rộng 37,8m, có cửa van phẳng vận hành lên xuống bằng hệ thống xi lanh thủy lực, được điều khiển tự động bằng thiết bị hiện đại; hệ thống cửa van được điều khiển đóng mở theo từng điều kiện thực tế và thực hiện chức năng xả đáy; tràn mặt (tràn Piano) gồm 4 khoang tràn, bố trí ở hai bên bờ của 2 đoạn đập; cầu giao thông dài 974,2m (bờ nam 549,80m; bờ bắc 424,40m), bề rộng mặt cầu 12m.
Gói thầu số 15 (gói thi công công trình) có giá 1.375 tỉ đồng (làm tròn) do liên danh 5 nhà thầu trúng thầu gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh - Công ty Cổ phần Lilama 10 - Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị thủy lực - Công ty TNHH thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh.
Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ Môi Trường Xanh (229 Nguyễn Công Phương, Nghĩa Lộ, Quảng Ngãi) là đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được chỉ định thầu.
Dự án được khởi công vào đầu tháng 7.2019 nằm trong sự kiện chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trước và sau ngày khởi công, nhiều phản biện xã hội vẫn quan ngại về dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường hai bên và hạ lưu sông Trà Khúc cũng như thành phố Quảng Ngãi.
Phối cảnh đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc
Tại cuộc họp báo quý 2 do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều 29.7, ông Trần Cao Tánh - Phó giám đốc Sở TTTT - cho biết chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị cùng sở phối hợp tổ chức họp báo chuyên đề về dự án này. Cuộc họp báo dự kiến tổ chức vào giữa tháng 8.2019 và sẽ mời các chuyên gia, kỹ sư từng phản biện về dự án trên báo chí truyền thông để làm rõ các vấn đề xung quanh dự án.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị chủ đầu tư cùng với việc tiếp thu nên nghiên cứu với Sở TTTT tổ chức họp báo.
“Làm gì thì làm phải rộng đường dư luận. Nếu quyết định đúng thì phải thuyết phục mọi người quyết định đó của tôi là đúng. Nếu quyết định sai toàn bộ, sai một phần thì chúng ta phải nói rõ chúng ta sai, rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Còn đúng rồi thì thưa các ông các bà tôi đúng và cứ thế tôi làm. Phải rõ ràng và ngại gì mà không họp báo”, Phó chủ tịch Quảng Ngãi nói.
Ông Dũng cũng lưu ý với các đơn vị liên quan: “Đập dâng để dâng nước điều hòa và làm đẹp cảnh quan mà nếu chúng ta để các bờ lau bờ chuối, chỗ thấp chỗ cao như thế thì cần dâng cao biết bao nhiêu mét nước để phủ lấp hết thành một mặt hồ. Chúng ta phải tính tới nạo vét lòng sông, một cách ôn hòa với quy luật của tự nhiên, để rồi chúng ta dâng nửa mét hay một mét cũng có nước. Chúng ta phải tính tới chuyện đó một cách hết sức thận trọng. Không tính kỹ việc này thì đến khi dâng nước lên rồi thì phương tiện, thiết bị hút cát không kịp, san lấp cos đáy của dòng sông không kịp rồi để nhấp nhô như thế thì xấu lắm, uổng công dâng nước. Do đó, Ban quản lý phải tính việc nạo vét dòng sông để dâng bao nhiêu nước chúng ta cũng thấy dòng sông mênh mông; tuyệt đối không để việc dâng nước mà lòng sông không được cải tạo, uổng tiền lắm”.
Ông Đặng Ngọc Dũng yêu cầu chủ đầu tư phải rộng đường dư luận về dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc
Làm rõ những nghi vấn về đơn vị tư vấn và ĐTM
Cũng trong thời gian qua, nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc gian dối về năng lực, quá trình điều tra xã hội học làm giả chữ ký, tư vấn dự án không khoa học…
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết ‘đã đọc được những thông tin này’.
“Dư luận cho rằng Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ Môi Trường Xanh giả hồ sơ năng lực, tôi khẳng định họ không giả năng lực và họ có hợp đồng chứng minh làm những việc đó”, ông Phương khẳng định và chứng minh bằng cuốn hồ sơ năng lực mà đơn vị tư vấn nộp cho ông từ năm 2017.
Về thông tin giả chữ ký trong các bản điều tra xã hội học phục vụ lập báo cáo ĐTM, ông Phương cho biết đã làm việc với các nhân viên Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ Môi Trường Xanh.
“Khi có thông tin dư luận về giả chữ ký thì tôi có gọi bên công ty lên làm việc về cách đi thu thập như thế nào thì anh em giải trình và khẳng định không giả mạo gì, có thì nói có và không thì nói không. Họ nói đi thu thập thông tin hai bên sông gặp người dân thì hỏi, có người vui lòng họ ký tên còn không ký thì để nguyên, có người họ nhờ người khác ký vô luôn”.
“Và muốn khẳng định điều đó thì tôi đã cung cấp thông tin và đã làm việc bên công an tỉnh rồi. Còn phải giám định mới kết luận được giả hay không giả chữ ký”, ông Phương cho hay.
Có nhiều ý kiến về ĐTM đập dâng sông Trà Khúc cần được cơ quan chức năng làm rõ
“Thực ra, điều tra xã hội học mục đích để lấy thông tin từ người đó thôi, thậm chí có những đề án khoa học, luận án tiến sĩ người ta điều tra không cần chữ ký”, ông Phương nói và cho biết giả sử trường hợp có thật việc giả chữ ký làm ảnh hưởng đến ĐTM thì sẽ kiện đơn vị tư vấn, nếu họ làm gian dối thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước việc làm gian dối của họ.
Về việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại các xã bị ảnh hưởng bởi dự án đập dâng, ông Phương thừa nhận chỉ tổ chức lấy ý kiến có đủ thành phần đoàn thể và người dân tại 3 xã Nghĩa Dũng, Tịnh An, Tịnh Long.
“Còn các xã khác chỉ lấy ý kiến của xã thôi vì không ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ như phường Trương Quang Trọng không dính dáng gì nên chỉ lấy ý kiến từ các đoàn thể chứ không lấy ý kiến dân. Chúng tôi sẽ kiểm tra rà soát lại đầy đủ, nếu cần thì tổ chức lấy ý kiến thêm, bổ sung thêm thì tốt hơn”, ông Phương cho hay.
Triệt giao thông đường thủy
Phương án xây đập dâng được phê duyệt triệt lưu thông đường thủy giữa thượng và hạ lưu đập dâng sông Trà Khúc.
Lý giải việc này, ông Hà Hoàng Việt Phương cho hay: “Thực ra hạ lưu sông sau đập không thể lưu thông được do lượng nước ít nên chỉ có phía thượng lưu đập. Giao thông đường thủy Quảng Ngãi không phát triển mấy, chỉ phục vụ cho bà con đánh bắt - không bao nhiêu người hết, tầm khoảng 70 người. Nếu chỉ phục vụ 70 người đánh bắt mà làm cầu tàu 100 tỉ thì quá lãng phí”.
Với phân tích trên, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định theo đề xuất của chủ đầu tư là bỏ hạng mục âu thuyền so với thiết kế ban đầu. Và trong phương án được thuyết minh tại ĐTM, ngư dân muốn lưu thông qua đập phải vận chuyển ghe lên xuống.
Bình luận về việc này, ông Phương nói: “Không phải vác ghe qua đập, mà thay vì làm âu thuyền thì nhà nước hỗ trợ cho người dân đánh bắt, có thể họ mua thêm ghe thuyền. Khi họ đi thuyền đến hạ lưu đập thì họ neo thuyền đó. Xong họ đi qua thượng lưu đập lấy ghe khác đi tiếp. Chính sách như vậy vừa đảm bảo vừa rẻ nữa, ghe thì giờ 1 triệu bạc chứ mấy, còn âu thuyền thì phải 100 tỉ nên đề xuất bỏ làm âu thuyền thì rất hợp lý”.
“Sau này sông Trà Khúc ở thượng lưu đập thì quy hoạch lại 2 bờ để tổ chức đi thuyền ngắm cảnh du lịch. Chứ hạ lưu sau này có nước đâu, dòng sông là những cồn cát và lạch nhỏ”, ông Phương nói thêm.
Hoàn trả dòng chảy 13m3/s, hạ lưu đập sẽ không bị nhiễm mặn?
Về quan ngại khi đập dâng hoàn thành sẽ như một hồ nước tích nước thải của TP.Quảng Ngãi, ông Hà Hoàng Việt Phương cho rằng không ảnh hưởng vì: “Khi đưa vào khai thác đập dâng thì cũng đưa vào khai thác công trình xử lý nước thải của thành phố vì công trình nước thải khoảng 1 năm là xong còn đập dâng làm tới 3 năm”.
Việc làm đập dâng quá sâu trong đất liền khiến người dân lo ngại vùng sau đập sẽ bị nhiễm mặn, ông Phương phân tích: “Dòng chảy hoàn trả là 13m3/s từ thượng lưu về hạ lưu. Do sông không có nước nên mạch nước ngầm tụt xuống rất sâu; khi có đập sẽ bổ sung nước ngầm cho cả thượng lưu và hạ lưu. Còn dòng chảy 13m3/s thì nước sẽ trả về sau đập y như không có đập. Do đó nó giải quyết được 2 vấn đề là nước ngầm ở hạ lưu được nâng lên và nước mặn không nhiễm hơn bây giờ. Bây giờ nước ngầm thấp nên nước mặn thấm vào sâu. Thứ 3 nữa là hiện nay nước quá ít nên nhiệt độ trên sông nóng, khi có đập sẽ điều hòa môi trường tốt hơn”.
Ông Phương cũng cho biết việc xây dựng đập ở vị trí hiện tại là đã gần cửa biển hơn so với phương án trước đây.
Sông Trà Khúc đoạn hạ lưu vị trí đập dâng, gần cầu cửa Đại được chụp vào mùa hè năm 2018
Về các phản biện trên mạng xã hội, ông Phương cho hay chưa thấy ai hỏi trực tiếp ‘và tôi cũng không biết họ lấy tài liệu từ đâu’.
“Tôi muốn nói rằng các anh cần vấn đề gì, cần thông tin gì thì chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chính thống. Có thể anh gửi mail cho tôi hoặc gửi thư cho Tỉnh ủy, UBND góp ý về 10 vấn đề hoặc 20 vấn đề liên quan đến dự án này để xây dựng cho dự án tốt hơn, ít ảnh hưởng về vấn đề môi trường và làm cho vấn đề môi sinh tốt hơn. Và tôi sẽ trả lời từng vấn đề một; nội dung nào đúng mà trong dự án chưa có thì chúng tôi tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung; nội dung nào có rồi mà họ nói sai thì chúng tôi sẽ đính chính và khẳng định lại”, ông Phương nói về các phản biện của chuyên gia, kỹ sư thời gian qua.
>> Dự án đập dâng sông Trà Khúc điều chỉnh từ 60 tỉ lên gần 1.500 tỉ
>> ĐTM đập dâng sông Trà Khúc 'bỏ rơi' cả cộng đồng dân cư
>> Thường trực HĐND Quảng Ngãi lên tiếng về báo cáo ĐTM đập dâng sông Trà Khúc
>> Quảng Ngãi khởi công xây Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc
>> Lộ diện nhà thầu trúng gói thầu xây dựng đập dâng sông Trà Khúc
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng