(HNM) - Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người và làm gần 2,4 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu. Hơn lúc nào hết, đây là thời khắc toàn thể người dân trên thế giới cần đoàn kết để chiến thắng "kẻ thù chung". Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra lời kêu gọi này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi chỉ trích cách xử lý đại dịch “yếu kém” của tổ chức này.
Tuyên bố về việc ngừng cấp kinh phí cho WHO, Tổng thống D.Trump nêu rõ, WHO phải chịu trách nhiệm về những quyết định “nguy hiểm và tốn kém” của mình. WHO đã quá chậm trễ trong việc xác nhận dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế và sau đó là công bố đại dịch toàn cầu. Ông chủ Nhà trắng cho rằng, từ trước đến nay, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Riêng năm 2019, Mỹ đã đóng góp hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định trên của Mỹ, đồng thời kêu gọi thế giới phải đoàn kết chống dịch Covid-19. Theo Tổng Giám đốc WHO, với sự hỗ trợ của người dân và Chính phủ Mỹ, WHO đã cải thiện sức khỏe của nhiều người trong số những người nghèo dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. WHO không chỉ ứng phó với Covid-19 mà còn chống lại nhiều dịch bệnh khác như sởi, Ebola, HIV...
Xét về mặt thời điểm, bước đi của ông D.Trump dường như không được sự ủng hộ trên bình diện quốc tế, khi mà tất cả lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều đang kêu gọi sự đoàn kết để chiến thắng dịch Covid-19. Bản thân Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cũng chia sẻ rằng, hiện tại không phải thời gian thích hợp cho những tranh cãi, tránh làm xói mòn nỗ lực đoàn kết toàn cầu.
Đến lúc này, WHO vẫn có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các quốc gia xử lý khủng hoảng y tế về dịch Covid-19, nhất là tại những quốc gia kém phát triển. Việc cắt giảm nguồn lực tài chính có thể khiến dịch bệnh vượt tầm kiểm soát. Các chuyên gia y tế nhận định, việc khống chế dịch Covid-19 giống như khống chế một đám cháy, chỉ cần còn một đốm lửa nhỏ còn ở đâu đó, thì tất cả các quốc gia đều đứng trước nguy cơ bùng phát đám cháy trở lại, trong đó có Mỹ. Đó là lý do các quốc gia cần phải hỗ trợ WHO để bảo đảm rằng tổ chức này có thể bao quát toàn bộ các đốm lửa nhỏ.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ. Giáo sư Patrice Harris (Hiệp hội Y khoa Mỹ) cho rằng, đó là “một bước đi nguy hiểm và chệch hướng, không giúp cho cuộc chiến chống Covid-19 trở nên dễ dàng hơn”. Nhiều quốc gia thông báo sẽ gia tăng đóng góp để Tổ chức Y tế đa phương lớn nhất thế giới có thể vận hành trong bối cảnh dịch Covid-19 không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Nội các Phần Lan ngày 15-4 quyết định nâng mức tài trợ cho WHO lên 5,5 triệu euro (tương đương 6 triệu USD). Cùng ngày, vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã quyết định tài trợ thêm cho WHO 150 triệu USD thông qua quỹ Bill & Melina Gates nhằm hỗ trợ tổ chức này thực hiện biện pháp bảo đảm sức khỏe cộng đồng, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tương tự, Australia cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO.
Thế giới đang phải vật lộn để vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mà nguyên nhân lại do một con vi rút rất nhỏ bé nhưng không phân biệt biên giới, có thể len lỏi đến mọi ngóc ngách, đe dọa sự sinh tồn và tương lai chung của nhân loại. Chưa bao giờ hai từ “Đoàn kết” được nhắc nhiều đến như vậy bởi “cơn sóng thần” Covid-19 khiến toàn cầu chao đảo. Nhân loại đang chạy đua với vi rút để giành chiến thắng. Khi cuộc chiến này đi qua, chúng ta sẽ phải đối diện với những thảm họa tồi tệ về khủng hoảng kinh tế, tâm lý và nhiều điều khác nữa. Thế nên, một thế giới bị tổn thương chỉ có thể hàn gắn và hồi phục bằng sự đoàn kết và chia sẻ.