(HNM) - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2020 diễn ra từ ngày 21 đến 24-1 tại Davos (Thụy Sĩ). Diễn đàn năm nay thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 nước, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch và giám đốc điều hành của khoảng 1.000 công ty đối tác và thành viên. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu tham dự hội nghị.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, Diễn đàn đặt mục tiêu thảo luận nhiều chủ đề "nóng" như tình hình thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đa phương và trật tự địa chính trị cũng như tương lai của các "ông lớn" ngành công nghệ. Trong đó, biến đổi khí hậu là chủ đề được tranh luận tích cực nhất khi WEF vừa công bố Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2020 cho thấy 5 nguy cơ hàng đầu của thế giới đều là các vấn đề môi trường.
Với chủ đề "Các bên liên quan hướng tới một thế giới bền vững và gắn kết", WEF lần thứ 50 đã dành nhiều sự quan tâm cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng này. Giữa lúc môi trường kinh doanh toàn cầu chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa - chính trị, hội nghị năm nay được xem là cơ hội để các nước hợp tác tìm giải pháp cho nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng và sinh mạng con người, sự thất bại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thiệt hại và thảm họa môi trường do con người tạo ra...
Theo cảnh báo của WEF, lượng khí nhà kính trong khí quyển hiện nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử loài người và đòi hỏi phải có hành động từ nhiều bên. Do đó, phát triển hệ thống kinh tế bền vững là một trong những trọng tâm của hội nghị năm nay. Hơn 160 sáng kiến riêng lẻ đã được đưa ra, trong đó có mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh trong thập niên tới và trang bị cho 1 tỷ người những kỹ năng cần thiết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. WEF 50 đang nỗ lực biến sự kiện tại Davos trở thành một trong những hội nghị quốc tế về phát triển bền vững quan trọng nhất. Theo đó, diễn đàn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống kinh tế nhằm loại bỏ chất thải và sử dụng nhiều tài nguyên, trước mắt là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các vật liệu trong công tác hậu cần của hội nghị.
Vì vậy, WEF 2020 đặt kế hoạch giảm 25% lượng rác thải so với năm 2019 bằng cách đưa ra các thiết kế mới, loại bỏ nhựa sử dụng một lần và tái sử dụng các vật liệu. WEF 2020 cũng hoàn trả một nửa chi phí vé tàu hạng nhất cho những người tham gia hội nghị đi bằng đường sắt. Với hàng trăm phiên họp, thảo luận và đối thoại, WEF lần thứ 50 đang hướng tới những cơ hội và ý tưởng táo bạo để có được những tác động toàn cầu cần thiết nhằm cải thiện tình trạng của thế giới. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà WEF muốn đóng góp trong 50 năm tới.
Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều 21-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại phiên toàn thể về “Triển vọng chiến lược ASEAN” - một trong những điểm nhấn của WEF lần thứ 50. Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.