(HNMO) - Tính đến 6h sáng 28-4, toàn thế giới ghi nhận 3.058.552 ca nhiễm Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 211.177 trường hợp tử vong và 919.727 người đã hồi phục.
Ngày 27-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại cần một khoảng thời gian dài để đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới kết thúc, trong khi các dịch vụ y tế cơ bản vẫn đang bị gián đoạn, đặc biệt là chương trình tiêm chủng cho trẻ em tại các nước nghèo.
Châu Mỹ
Mỹ hiện vẫn là tâm dịch Covid-19 của thế giới với hơn 1 triệu ca dương tính và hơn 56.000 người đã tử vong, trong đó bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn ¼ số ca nhiễm trên cả nước. Ngày 27-4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số lượng xét nghiệm kháng thể ngẫu nhiên của bang này đã tăng lên 7.500 người nhằm giúp có cái nhìn toàn cảnh về tình hình dịch bệnh. Cùng ngày, một nhóm các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã kêu gọi cho phép các nhà lập pháp bỏ phiếu từ xa trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thúc đẩy một cuộc điều tra về việc Tổng thống Donald Trump ngừng cấp ngân sách cho WHO trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Ngày 27-4, Cục Hàng không dân dụng quốc gia Argentina đã cấm tất cả hoạt động mua bán vé máy bay thương mại đến từ hoặc di chuyển trong phạm vi Argentina cho tới tháng 9. Đây là một trong những lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt nhất trên thế giới và làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối về việc biện pháp này sẽ gây quá nhiều sức ép cho các hãng hàng không và các sân bay.
Châu Âu
Ngày 27-4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần 1 tháng điều trị do mắc Covid-19. Phát biểu tại số 10 phố Downing, Thủ tướng B.Johnson cho biết người dân Anh đang bắt đầu xoay ngược tình thế trong cuộc chiến chống Covid-19, song nhiều khả năng các lệnh phong tỏa sẽ không được dỡ bỏ ngay lập tức. Hiện Anh đã ghi nhận 157.149 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 21.092 ca tử vong. Cùng ngày, thông báo chính thức của chính phủ Anh cho biết các bộ trưởng và giới chức y tế nước này sẽ trả lời một số câu hỏi chất vấn của người dân trong các cuộc họp báo hằng ngày về dịch Covid-19, trong bối cảnh Thủ tướng B.Johnson cam kết cung cấp sự minh bạch tối đa có thể liên quan tới các biện pháp ứng phó dịch bệnh đang được áp dụng.
Ngày 27-4, Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnes-Pannier Runacher cho biết nước này có kế hoạch cung cấp hơn 26 triệu khẩu trang ra thị trường vào cuối tuần này khi đang chuẩn bị từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Dự kiến trong ngày 28-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ trình bày kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế tại Quốc hội. Pháp hiện là tâm dịch Covid-19 lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italia, với gần 166.000 ca dương tính.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ gửi các thiết bị y tế, bao gồm áo bảo hộ và khẩu trang tới Mỹ bằng máy bay quân sự vào ngày 28-4 để hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết 31 thành phố của nước này sẽ bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa trong 3 ngày cuối tuần kể từ ngày 1-5, và việc phong tỏa vào cuối tuần sẽ được tiếp tục áp dụng đến cuối tháng 5. Lộ trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ sớm được công bố.
Châu Á
Khảo sát của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc công bố ngày 28-4 cho thấy, chỉ số tâm lý tiêu dùng nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm, khi đại dịch Covid-19 kiềm chế các hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội, gây ra lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Trong ngày 27-4, Hàn Quốc tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới ở mức thấp, với thêm 10 ca dương tính được ghi nhận, nâng tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước này lên 10.738 người.
Ngày 27-4, phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nguồn gốc của vi rút gây đại dịch Covid-19 là vấn đề mang tính khoa học và cần nhiều thời gian để đi đến kết luận cuối cùng, đồng thời kêu gọi các quốc gia tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch thay vì chính trị hóa vấn đề này.
Tại Indonesia, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 Doni Monardo đã đặt mục tiêu giảm số ca lây nhiễm từ nay đến tháng 6 và hướng tới đẩy lùi dịch bệnh vào tháng 7, đồng thời nhấn mạnh cam kết tăng cường thực hiện xét nghiệm trong tháng 5 để nhanh chóng phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng.