(HNM) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo thế giới sẽ có thêm 115 triệu người lâm vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020, khiến tỷ lệ này tăng lần đầu tiên sau 20 năm và "thủ phạm" chính là dịch Covid-19. Đây là bước lùi của nhân loại trong cuộc chiến chống nghèo đói. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi kinh tế toàn cầu phục hồi mới giúp thay đổi được tình hình.
Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 và khoảng gấp đôi mức 40 đến 60 triệu người hồi tháng 4-2020. Tổng số người nghèo cùng cực - với mức sống dưới 1,9 USD/ngày - được ước tính sẽ lên tới 150 triệu người trong năm 2021, tùy vào sự tàn phá của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Tình trạng này cũng ảnh hưởng tới 9,2% đến 9,4% dân số thế giới, mức tương đương hồi năm 2017 và cao hơn đáng kể so với triển vọng 7,9% theo các dự báo dành cho năm 2020 nếu không xảy ra dịch bệnh. WB cũng chỉ ra rằng gần 25% dân số thế giới đang sống dưới ngưỡng 3,2 USD/ngày và 40% dân số thế giới sống dưới mức 5,5 USD/ngày, tương đương khoảng 3,3 tỷ người.
Thực tế trên đã đảo ngược những tiến bộ đạt được sau hàng thập kỷ nỗ lực xóa đói giảm nghèo của nhân loại. Theo số liệu của Liên hợp quốc, tỷ lệ đói nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm từ 35,9% vào năm 1990 xuống còn 9,9% năm 2015, năm Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030. Đến năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 8,6%, khiến nhiều dự báo lạc quan về khả năng thế giới có thể xóa sổ hoàn toàn đói nghèo vào năm 2030.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã thay đổi những thành quả này, nhất là khi có tới 40% người nghèo đã và đang phải đối mặt với kinh tế khó khăn lẫn các cuộc xung đột. Biến đổi khí hậu cũng khiến năng suất lao động sụt giảm, bệnh tật bùng phát, giá lương thực bị đội lên, tạo ra những nguy cơ mới cho các nước vốn có nền kinh tế không mạnh, đặc biệt ở Nam Á và châu Phi. Sự kết hợp này đã thiêu rụi hy vọng sớm chấm dứt đói nghèo của thế giới, khiến tỷ lệ nghèo toàn cầu nhiều khả năng vẫn mắc kẹt ở ngưỡng 7% vào năm 2030.
Đáng ngại là tỷ lệ người nghèo cùng cực sẽ tăng mạnh nhất ở những quốc gia đã có chỉ số đói nghèo ở mức cao. Nhiều người dân ở các nước có mức thu nhập trung bình cũng sẽ chứng kiến mức sống tụt xuống ngưỡng nghèo cùng cực. Trong đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới và nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã trở thành nước có số người nghèo cùng cực nhiều nhất thế giới với khoảng một nửa số dân. Trung Quốc, Indonesia và Nam Phi, mỗi nước cũng sẽ có hơn 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Tỷ lệ này ở khu vực đô thị cũng gia tăng, đe dọa đến các chương trình hỗ trợ hiện nay, vốn được thiết kế cho người dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, dù cuộc chiến chống đói nghèo của thế giới đang ở thời khắc khó khăn nhất, các chuyên gia cho rằng sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ giúp thay đổi tình hình. Song, điều này phụ thuộc lớn vào thời gian kéo dài của dịch Covid-19. Tín hiệu tích cực là vắc xin phòng bệnh và những nỗ lực hợp tác quốc tế đang dần đặt sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 vào tầm kiểm soát.
Để hạn chế sự tụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo và giảm thiểu các thiệt hại từ dịch bệnh, ngay từ lúc này, các quốc gia cần chuẩn bị cho sự phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19 bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế mới. Cùng với đó, hiện đại hóa giáo dục, triển khai công nghệ mới, mở ra nhiều cơ hội về nghề nghiệp và thu nhập cũng sẽ đóng góp cho các nỗ lực nâng cao mức sống người dân ở các quốc gia.