Đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới

17/08/2019 11:15

MTNN

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với báo chí về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) diễn ra ngày 16/8 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), hiện nay, TCTK đang tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP”. Đây không phải là lần đầu tiên TCTK tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, TCTK đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản ( hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam 2007.

  Đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ cần thiết.
(Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Lâm, việc đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ cần thiết nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế; nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ; Đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm. GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Việc đánh gía lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hoá cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Theo đó, phạm vi đánh giá lại quy mô GDP sẽ tập trung vào việc thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Theo đó, quy trình đánh giá lại GDP được thực hiện theo các bước: Biên soạn lại chỉ tiêu giá trị sản xuất. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá; Cập nhật hệ số chi phí trung gian; biên soạn lại chỉ tiêu GDP theo giá trị sản xuất, hệ thống chỉ số giá và hệ số chi phí trung gian đx thực hiện trong 3 bước trên. Tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan, so sánh, đánh giá kết quả đánh giá lại với số liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ mô đã công bố; báo cáo giải trình kết quả và kiến nghị.

Mỗi công đoạn trong quá trình tổng thể đều được thực hiện các bước cụ thể: rà soát, đánh giá lại thông tin đầu vào; cập nhật các chỉ tiêu đầu vào; biên soạn lại các chỉ tiêu đầu ra; kiểm tra so sánh dãy số liệu với các số liệu đã công bố; tổng hợp kết quả và giải trình.

Nguồn thông tin sử dụng đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra (TĐT) và hồ sơ hành chính của các Bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, TĐT kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) với các Bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

Theo TCTK, tác động của đánh giá lại quy mô GDP đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Hình ảnh buổi làm việc (Ảnh: HNV)

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn; phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa (tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP). Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.

Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

Trao đổi với phóng viên về sự cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP trong quá trình sản xuất thông tin thống kê, ông Robert Dippelsman, Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, IMF có một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo các quốc gia thành viên có được các số liệu tốt nhất về kinh tế, trên cơ sở đó xây dựng được những chính sách và quản lý kinh tế tốt nhất. Chính vì vậy, IMF hỗ trợ cho các quốc gia trong việc xây dựng những hệ thống về thống kê, về kinh tế và đặc biệt là các quốc gia có sự phát triển và thay đổi nhanh như Việt Nam, thì việc cập nhập số liệu thống kê về kinh tế là rất khó khăn và cũng rất quan trọng. Do đó, theo lời mời của Tổng cục Thống kê Việt Nam, phía IMF đã cử một đoàn công tác sang Việt Nam lần này để giúp rà soát phương pháp đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Bởi vì, IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết. Do đó, nhóm chuyên gia IMF đánh giá rất cao việc Tổng cục Thống kê gần đây đã tiến hành những cuộc Tổng điều tra về kinh tế để đảm bảo độ bao phủ 100% tất cả các doanh nghiệp và các hoạt động về kinh tế. Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần phải rà soát đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP của mình. Đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn. Và Tổng cục Thống kê hiện nay có một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là phải phối hợp được với tất cả các bộ, ngành, cơ quan để làm sao rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ 100% như mong muốn của mình trong lần rà soát này.

Trong khi đó, theo ông Emnanuel Manolikakis, chuyên gia tư vấn của IMF, đối với các quốc gia đang phát triển thì thách thức lớn nhất là làm sao có thể nắm bắt được tất cả các số liệu của các doanh nghiệp một cách kịp thời và đầy đủ, trong khi các doanh nghiệp này đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Đối với Việt Nam vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ. Ông cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Tổng cục Thống kê trong thời gian vừa qua đã phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc xác định và đánh giá các khu vực kinh tế để đảm bảo đo lường, tính toán được tất cả các hoạt động trong nền kinh tế.

Theo ông, Tổng cục Thống kê trong lần điều chỉnh GDP này đã thực hiện hoàn toàn phù hợp với tất cả các thông lệ quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc Tổng điều tra về các hoạt động kinh tế, dân số, hộ gia đình… để đảm bảo được tất cả các hoạt động trong nền kinh tế, đặc biệt là những hoạt động mới nổi hoặc những hoạt động vừa và nhỏ được nắm bắt trong lần rà soát, điều chỉnh này./.

Lê Anh
Nguồn
Link bài gốc

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

Bạn đọc quan tâm

Mới nhất
Xem nhiều nhất
Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com