Bảy ca bệnh dương tính với bạch hầu đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới này có độ tuổi từ 6 - 14, được chuyển viện từ tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Hiện các bệnh nhi này đang được các bác sĩ tập trung điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trước diễn biến bệnh bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh miền Trung, để chủ động trong tiếp nhận, thu dung điều trị, bệnh viện đã bố trí khu vực điều trị cách ly tuyệt đối một chiều và theo dõi tích cực bệnh nhi mắc bạch hầu theo phác đồ của Bộ Y tế.
Các bác sĩ của bệnh viện cũng khuyến cáo người nhà hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; chủ động phòng bệnh bằng chủng ngừa vắc xin. Trong trường hợp nếu phát hiện vùng có bệnh, ngành y tế địa phương cần khoanh vùng ổ dịch, cách ly người bệnh và điều tra dịch tễ để tránh lây lan trong cộng đồng.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Tại tỉnh Quảng Nam, ít nhất đã phát hiện 1 ca dương tính với bệnh bạch hầu và 2 trường hợp nghi nhiễm đang được cách ly theo dõi và điều trị tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết dự kiến Sở Y tế sẽ tiến hành tiêm vắc xin ngừa bạch hầu cho 35.000 em học sinh lớp 2 trên toàn tỉnh và 15.000 người có độ tuổi từ 5-40 tuổi trên địa bàn 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải (H. Duy Xuyên) để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Quảng Nam là một trong 30 tỉnh trên cả nước được Bộ Y tế chỉ đạo phải tiêm vắc xin ngừa bạch hầu.
Tin, ảnh: Thạch Châu