(HNM) - Quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines đang đứng trước một “cơn sóng dữ” khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chính thức thông qua quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998. Đây là thỏa thuận cung cấp cơ sở pháp lý cho hàng nghìn binh lính Mỹ sang Philippines tập trận, huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Quyết định hủy bỏ VFA được đưa ra sau khi Mỹ thu hồi thị thực của Thượng nghị sĩ Roland dela Rosa, người dẫn đầu chiến dịch chống ma túy của Tổng thống R.Duterte. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do cụ thể, nhưng ông Rosa tin rằng, nguyên nhân có liên quan đến các cáo buộc ông tử hình nhiều nghi phạm không qua xét xử trong thời điểm chiến dịch chống ma túy tại Philippines đang ở giai đoạn cao trào.
Các thống kê chỉ ra rằng, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng, tuy nhiên cảnh sát khẳng định chỉ nổ súng vào các nghi phạm để tự vệ. Trước đó, năm 2019, Tổng thống Donald Trump từng ký dự luật ngân sách bao gồm điều khoản cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các “quan chức nước ngoài có liên quan tới việc bỏ tù sai trái Thượng nghị sĩ Leila de Lima, người bị bắt giữ tại Philippines năm 2017”. Bà Lima là một trong những người chỉ trích kịch liệt các chính sách của ông R.Duterte, trong đó có cuộc chiến chống ma túy trước khi bị bắt. Để trả đũa, Manila cũng đã cấm 3 Thượng nghị sĩ Mỹ, những người kêu gọi thả bà Lima, được nhập cảnh vào Philippines.
Thực tế, kể từ khi đắc cử tổng thống năm 2016, ông R.Duterte đã liên tục cảnh báo sẽ hủy bỏ VFA và liên minh quân sự với Mỹ, để nghiêng về phía Nga và Trung Quốc. Theo Manila, diễn biến mới nhất là kết quả của các hành động lập pháp và hành pháp mà Mỹ đã thực hiện cho thấy sự không tôn trọng đối với hệ thống tư pháp của Philippines.
Lâu nay, Washington luôn coi mối quan hệ với Philippines là một yếu tố cản trở tham vọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng, chấm dứt VFA là động thái sai lầm vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang cố gắng gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế về trật tự tại châu Á. Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cũng cảnh báo, bước đi nghiêm trọng từ phía Manila sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Philippines.
Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự ở Philippines sau khi quốc gia Đông Nam Á này chính thức giành độc lập năm 1945. Philippines cho phép hải quân, không quân và lục quân Mỹ đồn trú tại các căn cứ trên các quần đảo của mình. VFA có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố vai trò vững chắc của liên minh hai nước, cũng như thiết lập các quy tắc cho binh sĩ Mỹ hoạt động tại Philippines. Các nhà phân tích cho rằng, việc “khai tử” VFA có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ, làm giảm năng lực đối phó của Philippines với các mối đe dọa an ninh quốc gia. Chưa kể, quan hệ kinh tế song phương có nguy cơ chịu vạ lây bởi Mỹ không chỉ đóng vai trò là đối tác thương mại quan trọng mà còn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Philippines.
Sau khi chấm dứt VFA, Philippines và Mỹ sẽ chỉ còn lại hai thỏa thuận quân sự lớn, gồm Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). MDT quy định hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công. Còn EDCA cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Tuy nhiên, nhiều quan chức và các nhà phân tích cho rằng, nếu VFA bị hủy, EDCA không thể tồn tại và phát huy tác dụng vì nền tảng của thỏa thuận này là VFA. Chưa hết, nếu cả VFA và EDCA đều biến mất thì việc thực thi MDT sẽ không còn ý nghĩa.