Một câu hỏi trẻ con, nhưng câu trả lời không thể cẩu thả được!
Ngày trước, khi bắt đầu mua nhà, vợ chồng và con gái nhỏ 6 tuổi đi trên xe máy cà tàng bàn chuyện vay tiền. Về nhà, con gái lúi húi trong phòng (trọ), rồi mang tiền lẻ ra nói với tôi: "Bố ơi, con đập lợn rồi. Con đưa tiền cho bố mua nhà".
Tôi không hiểu vì sao con gái lại làm vậy nên gặng hỏi. Nó giải thích: "Trên xe, con nghe bố mẹ nói đi vay tiền để mua nhà. Con không giữ tiền mừng tuổi trong lợn nữa. Con đưa cho bố mẹ để khỏi phải đi vay, bố ạ...".
Vợ chồng tôi suýt khóc bởi tấm lòng con gái nhỏ. Mặc dù rất vui, tự hào về con gái, nhưng vợ chồng tôi cũng thống nhất, sau này không nói những chuyện này trước mặt con nữa. Con nghe chuyện, lại nghĩ ngợi, tội nó!
Bố mẹ không được cẩu thả khi dạy con về ý nghĩa của đồng tiền (Ảnh minh họa)
Thời gian trôi qua, vợ chồng chịu khó làm ăn, mua được căn hộ chung cư, cuộc sống tạm đủ ăn. Một lần tôi mang tiền thưởng tết về, thằng cu 10 tuổi nhìn thấy, mắt tròn mắt dẹt rồi hỏi: "Bố ơi, nhà mình có giàu không?". Tôi bắt đầu trò chuyện với con trai, vì câu trả lời này rất quan trọng với trẻ con.
- Thế nào là nhiều tiền, con trai?
+ Thì là nhiều tiền như bố vừa đưa cho mẹ đấy.
- Vậy theo con nhà mình giàu chưa?
+ Rồi ạ!
- Nếu nhà mình giàu thì con cảm thấy thế nào?
+ Thì tiêu thoải mái, sau này con không phải làm gì cũng có tiền.
Đúng như tôi dự đoán về suy nghĩ của nó. Có lẽ, do không phải chăn trâu, cắt cỏ, không phải nhường cơm sẻ áo, được ông bà, bố mẹ bao bọc nên nó chưa hiểu về giá trị đồng tiền. Và nếu suy nghĩ này không được uốn nắn, nó sẽ nghĩ nhà có tiền, nhà giàu, không cần học hành, không cần phấn đấu.
Tôi nói với nó:
- Ví dụ như nhà giàu đi chăng nữa thì đó là tiền của bố, mẹ. Không phải tiền của con! Tiền do bố chịu khó học hành, làm việc vất vả mà có. Khi con còn nhỏ, con đang đi học, chưa kiếm tiền được nên bố mẹ phải lo tất cả mọi thứ cho con. Khi con trưởng thành, con phải tự kiếm tiền nuôi bản thân mình, lo cho gia đình nhỏ sau này của con. Con hiểu không?
+ Vậy bố không cho con à, con là con bố mà?
- Bố không cho con tiền, bố lo cho con ăn học, nuôi con lớn lên. Sau này con giàu hay nghèo, được người ta tôn trọng hay bị coi thường là do quá trình con phấn đấu, làm việc mà có. Con hiểu không?
Phải giải thích rất cặn kẽ trước câu hỏi "Bố ơi nhà mình có giàu không?”. Tôi phải cho nó hiểu, muốn giàu có, muốn thành đạt nó phải học hành chăm chỉ để xây dựng sự nghiệp cho mình. Nhà mình có giàu cũng là tiền của bố mẹ. Câu trả lời có vẻ lạnh lùng, nó cũng không vui lắm, nhưng như vậy đủ để một đứa bé loại bỏ ý nghĩ bố mẹ có tiền thì nó không cần phải phấn đấu nữa, tiền của bố mẹ, nhà, xe của bố mẹ là của nó.
Nếu trả lời cho qua đại ý: "Tiền bố mẹ, nhà bố mẹ sau này là của con hết", thì sẽ rất nguy hại cho sự phát triển của nó. Nó sẽ nhìn vào gia tài của bố mẹ và lớn lên cùng suy nghĩ đó mà không lo tu chí. Thậm chí, tiền sẽ làm hỏng nó, hỏng cả tình nghĩa gia đình. Chuyện bố mẹ giàu có, con cái hư hỏng, nhăm nhăm vào gia tài của bố mẹ để tranh chấp, thậm chí bất chấp mọi thứ để tranh cướp đã xảy ra trên thực tế.
Sau này mỗi lần đón nó đi học về tôi vẫn hỏi nó đã hiểu câu chuyện giàu nghèo chưa. Nó nói nó đã hiểu. Tôi cũng nói thêm cho nó hiểu: Tất cả bố mẹ trên thế giới này dù là tỷ phú hay đi ăn xin đều thương con như nhau. Trong tình yêu thương không có chuyện bố mẹ giàu thì thương con nhiều hơn, bố mẹ nghèo thì thương ít hơn.
Tôi yên tâm khi chắc chắn đã đánh bạt cái tư tưởng ỉ lại của nó. Với tôi, với trẻ con, câu hỏi nào của nó cũng mang đến nhưng thông điệp, không cẩu thả trong bất kỳ câu trả lời nào. Có những câu trả lời sẽ đi với nó suốt cả cuộc đời. Vì tâm hồn nó như tờ giấy trắng ta phải viết những câu trả lời mang tính giáo dục và định hướng rất rõ ngay từ đầu.
Null