Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai “Lục Nam”. Theo đó, UBND huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Tại huyện Lục Nam, cây na chủ yếu được trồng ở các xã Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Hưng, Đông Phú, Lan Mẫu.
Theo thông tin từ Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang, từ hiệu quả kinh tế mà cây na đem lại cho người dân địa phương, những năm gần đây, huyện Lục Nam đã tích cực vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng diện tích na trên đất vườn, đồi phù hợp.
Trước đây, cây na phải thu hoạch nhanh, chỉ trong khoảng một tháng do na chín tập trung, nhưng đến nay có trên 70% diện tích trồng na trên địa bàn huyện tổ chức sản xuất rải vụ, áp dụng kỹ thuật thụ phấn, điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12. Biện pháp này vừa giúp sản phẩm quả na tránh được tình trạng thu hoạch rộ, bị ép giá, vừa giữ được thương hiệu sản phẩm.
Na dai của Lục Nam có hương vị thơm mát ngọt bùi, dẻo dai, có dạng khối hình trái tim, vỏ quả sần, có màu xanh hơi vàng, kẽ mắt có mầu vàng trắng. Quả có đường kính 74,31 – 89,68 mm, chiều cao 68,66 – 85,84 mm, trọng lượng quả ở mức 299,56 – 466,40 g/quả. Tỉ lệ phần ăn được của na dai Lục Nam ở mức 54,20 – 66,75 %.
Ngoài ra, do hàm lượng đường tổng số và độ Brix trong quả cao (hàm lượng đường tổng số: 12,05 – 12,56 %; độ Brix: 15,96 – 19,04 %), trong khi hàm lượng Axit và Vitamin C trong quả thấp hơn các sản phẩm cùng loại khác (hàm lượng Axit tổng số: 1,61 – 1,90 %; hàm lượng Vitamin C: 36,79 – 43,38 mg/100g tươi phần ăn được) nên sản phẩm na dai Lục Nam mang tới hương vị đặc trưng.
Đặc biệt, na Lục Nam còn có hàm lượng Cellulose (chất xơ) cao ở mức 0,88 – 1,62 % theo vật chất khô, do đó rất có lợi cho quá trình tiêu hóa của người sử dụng.
Thu Anh