Bài 3: Những mô hình thích ứng “thuận thiên”

20/08/2019 11:15

MTNN

Đây cũng chính là giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức vào tháng 9/2017 tại Cần Thơ. Sau hội nghị đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), được xem như nghị quyết “thuận thiên” ra đời nhằm tạo đà mạnh mẽ, tạo thế và lực để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hiệu quả từ mô hình “con tôm ôm cây lúa”

Đứng thứ 2 trong cả nước hiện nay về diện tích nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 130 ngàn ha, tuy nhiên nghề nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu hiện đang đứng trước những khó khăn do tác động của BĐKH. Hạn hán, triều cường dân cao, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân nơi đây. Để ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Trong đó, có thể kể đến mô hình tôm - lúa được các nhà khoa học xác định là mô hình thích ứng khá tốt với BĐKH. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang thực hiện mô hình này trên 2 đối tượng là tôm càng xanh xen lúa và luân canh tôm sú – lúa, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc quốc lộ 1A của tỉnh.

 

Mô hình tôm - lúa được xác định là mô hình thích ứng khá tốt với BĐKH. Ảnh: TH.


Với mô hình này, lúa sẽ được trồng trên diện tích nuôi tôm là một cách để loại bỏ muối từ các cánh đồng lúa trong mùa mưa, do vậy giúp giảm tác hại của xâm nhập mặn và kéo dài thời gian sử dụng đất. Điều đặc biệt của mô hình lúa - tôm là không dùng thuốc thú y thủy sản trị bệnh cho tôm, mà sử dụng biện pháp sinh học; cây lúa cũng không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (để bảo vệ tôm càng xanh). Do vậy, mô hình cho sản phẩm tôm sạch, lúa sạch; được đánh giá  bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, ổn định; góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.

Cần mẫn bên thửa ruộng lúa – tôm theo mô hình mới của mình, gặp chúng tôi ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc vui mừng chia sẻ: Là xã thuộc vùng mặn huyện Hồng Dân, năm 2016 do ảnh hưởng El Nino, hạn hán và mặn xâm nhập đã làm hàng trăm ha tôm nuôi tại xã bị thiệt hại, người dân điêu đứng. Tuy nhiên, từ khi áp dụng mô hình 1 vụ lúa - 2 vụ tôm (Vụ tôm sú không cấy lúa, còn vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh) trên diện tích 3ha đất của gia đình, thì mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng gần 300 triệu, cuộc sống dần được cải thiện.

Ông Minh cũng cho biết, khi nuôi tôm đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Vì vậy, khi trồng lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại sau vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, môi trường thuận lợi thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh. “Để trúng cả vụ tôm lẫn lúa cần phải thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu cải tạo nước, sử dụng vôi, men cải tạo ao và điều quan trọng là phải thả giống không quá dày”, ông Minh chia sẻ.

Đánh giá về mô hình trên, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Mô hình tôm- lúa là mô hình thông minh, thích ứng với BĐKH, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đó là phát triển nuôi trồng thủy hải sản ĐBSCL thích ứng với vùng hạn, mặn.

“Con tôm ôm cây lúa” mô hình không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân vùng hạn, mặn mà đó còn là giải pháp căn cơ giúp người dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung “thuận thiên” tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đến nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác tôm - lúa đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa cho nên một số người dân có xu hướng giữ nước mặn nhằm kéo dài vụ tôm, rút ngắn thời gian vụ lúa. Đây là nguyên nhân làm mất đi những ưu điểm về cân bằng sinh thái từ mô hình tôm - lúa mang lại. Ngoài ra, sự tiếp cận của người nông dân với khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống…

 

 Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của hộ ông Dương Hà (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ


Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 10 công ty, doanh nghiệp đơn vị, và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với khoảng 300 hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp an toàn, không dịch bệnh và cho lợi nhuận cao.

Theo đó, có thể kể đến: Tập đoàn Việt Úc; Công ty Trúc Anh; Công ty TNHH Long Mạnh… ứng dụng công nghệ nhà màng của Israsel và nhà thép của Lysaghd Agrished; công nghệ sử dụng nước tuần hoàn của Đức, Mỹ,... sử dụng hóa chất vi sinh xử lý nước tạo chu trình khép kín trong các khâu xử lý nước để có thể tái sử dụng nước thải; kiểm soát được môi trường không khí, thời tiết. Ưu điểm của mô hình này là không chỉ làm thay đổi cách nuôi truyền thống, cho sản lượng tăng thêm từ 10 đến 15 lần, mà còn mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm. Hiện, các Công ty này đang nhân rộng công nghệ nuôi này bằng cách chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ.

Chị Lý Thị Trúc Ly - Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm phát triển ứng dụng công nghệ cao Long Nghĩa vui mừng chia sẻ: Nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao, ít rủi ro vì không chịu nhiều biến động của thời tiết, lại chủ động hoàn toàn việc kiểm soát dịch bệnh, môi trường nước, nên thu nhập ổn định. Với 4 hồ nuôi tôm lót bạc tại cơ sở nuôi xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, chị Ly cho biết chỉ cần sử dụng 2 nhân công. Trong khi đó, một hồ đến kỳ thu hoạch (3 đến 4 vụ trong 1 năm) dao động từ 3 - 6 tấn tôm. Trừ tất cả chi phí, lãi thu được tùy thuộc vào giá tôm trên thị trường, thường mỗi hồ chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá, thời gian qua, Bạc Liêu chịu không ít “hậu quả” do trong một thời gian dài phát triển nuôi tôm không kiểm soát, nằm ngoài quy hoạch, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước…Nhưng với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đang là hướng đi đúng cho ngành tôm địa phương, cần tiếp tục nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho các hộ nuôi tôm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng con tôm…

Tỷ phú dưa lưới

Chúng tôi về đến ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hỏi nhà ông Võ Văn Trưng, trồng dưa lưới trong nhà màng thì người dân nào cũng biết. Bởi ông là người đầu tiên tại đây mạnh dạn từ bỏ lúa chuyển sang mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bắt đầu từ một cơ sở sản xuất vào năm 2014 với diện tích  2.000m2, ông Võ Văn Trưng cho hay đến nay đã được mở rộng thành 15.000 m2, nâng cấp trở thành Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát.

Những trái dưa lưới chờ thu hoạch. Ảnh: TH.


Để có được cơ ngơi nhà lưới khang trang, hiện đại như hiện nay, ông Võ Văn Trưng cho biết không hề đơn giản. Bởi vùng đất Bình Thành này xưa nay nhiễm phèn nặng, nông dân chủ yếu sống nhờ vào việc trồng lúa, rau màu nhưng thu nhập cũng bấp bênh, chỉ đủ sống qua ngày. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào mùa khô gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất. Không chịu đầu hàng trước “ông trời”, vào năm 2013, ông Trưng đã lặn lội đến nhiều tỉnh như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… để tìm tòi, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp mới về áp dụng trên đồng đất của mình. Cuối cùng, ông Trưng quyết định chọn mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để trồng cây dưa lưới trên giá.

Chỉ vào những cây dưa lưới đang vươn mình xanh mơn mởn, trái sai trĩu chờ thu hoạch, ông Trưng cho biết, nhờ áp dụng trồng dưa trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên đã tiết kiệm hơn 80% lượng nước so với cách tưới truyền thống. Dưa lưới thuộc họ bầu bí, thích nghi tốt với nắng, nhiệt độ cao nhưng chịu mưa kém nên nếu gặp mưa trái mùa, hay sương muối thì cây dễ bị nhiễm nấm bệnh, thậm chí chết dây. Vì vậy, ông Trưng chia sẻ, trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Đáng nói đầy là sản phẩm làm ra không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại.

Với công nghệ này, sau khi ươm hạt dưa thành cây con tại một góc nhà lưới, ông trồng mỗi cây dưa vào một bầu chứa 4 lít giá thể nuôi dưỡng bộ rễ, cung cấp dưỡng chất cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng hơn 60 ngày, nên bộ rễ cây dưa hoàn toàn không tiếp xúc với nền đất lúa trước đây. Trên đó đều có cắm sẵn vòi tưới nhỏ giọt nối với nhánh dây rẽ được gắn cố định vào đường dây chính bằng nhựa dẻo đã lắp đặt khắp khu nhà kính.

Bên cạnh đó, toàn bộ nước tưới trữ trong các thùng nhựa composite, được pha chế với nhiều hợp chất hữu cơ cần thiết đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây. Toàn bộ quy trình tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng mắt thông minh, do đó khâu bơm nước được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoảng thời gian nhất định đã được lập trình sẵn.

Theo ông Võ Văn Trưng, trung bình một 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn - 3 tấn, giá thị trường khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, theo chu kỳ 2 tháng/lần, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỉ đồng.

“Chính vì áp dụng công nghệ trên, trái dưa lưới bảo đảm tiêu chuẩn VietGap, nên được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong nước. Hướng tới chúng tôi sẽ áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu”, ông Trưng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu chia sẻ, đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên và tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ; khuyến khích để các hộ dân có điều kiện nhân rộng thêm tại nhiều điểm khác, nhất là ở những nơi thiếu nước ngọt sản xuất. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này cũng gặp những khó khăn nhất định do chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi đầu ra ổn định, kỹ thuật cao từ khâu chuẩn bị khung nhà màng - giống - cây con, điều hòa môi trường và dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng dưa lưới, cách tỉa cành, lá và tuyển chọn.

Làm giàu từ chế biến và xuất khẩu da cá sấu

Là một trong nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, và đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Thanh Mai ở xã Vĩnh Thanh (Phước Long, Bạc Liêu) được xem là “vua cá sấu miền Tây” với tổng đàn khoảng 40.000 con trên diện tích rộng 4ha.

Khởi nghiệp bằng việc nuôi 100 con giống mua từ tỉnh An Giang về, ông Mai cho biết, thời điểm này mô hình nuôi cá sấu chưa phát triển tại địa phương. Giai đoạn đầu mới nuôi, ông cũng gặp không ít khó khăn áp dụng kỹ thuật và tìm đầu ra.

 

Điều kiện tự nhiên của các tỉnh khu vực ĐBSCL rất thích hợp cho loài cá sấu phát triển. Ảnh: TH.


Cũng theo ông Mai, từ năm 2002 đến nay, nghề nuôi cá sấu đã trải qua không ít đợt biến động giá lớn, trong đó phải kể đến năm 2016 giá gần như chạm đáy, khiến nhiều người nuôi lỗ nặng, đã phải từ bỏ nghề. Tuy nhiên, nhờ sự nhạy bén trong phương án kinh doanh, từ khoảng năm 2013, khi có được chứng nhận Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp), ông Mai đã có bước tiến mới, khi chuyển sang nghề chế biến và xuất khẩu da cá sấu.

Theo chân ông Mai tham quan trang trại, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những dãy chuồng nuôi cá sấu được thiết kế bài bản, an toàn và kiên cố, được xây đóng cọc bao lưới B40 cao gần 2m. Tại đây, ông Mai dành một phần diện tích để làm ao lắng, ao xử lý nước và ao nuôi cá rô phi dùng làm thức ăn cho cá sấu. Các chuồng nuôi đều được bố trí hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt.

“Điều kiện tự nhiên của các tỉnh khu vực ĐBSCL rất thích hợp cho loài cá sấu phát triển. Tuy nhiên, cá sấu không chịu được lạnh, việc tạo ao, làm chuồng phải thích nghi từng giai đoạn phát triển và gần với tập tục của cá sấu; nguồn thức ăn phải tươi, mật độ nuôi khoảng 2m2/con, chú ý phòng bệnh thật kỹ sẽ giúp chúng phát triển tốt...", ông Mai chia sẻ.

Hiện tại, trang trại của ông Mai đã sản xuất, xuất khẩu da qua chế biến và các sản phẩm mỹ nghệ từ da cá sấu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,… Nhờ vậy đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động, với mức thu nhập từ 5 – 12 triệu đồng. Năm vừa rồi doanh thu từ cá sấu lên tới hơn 40 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng vài tỷ đồng.

Theo ông Mai, các sản phẩm từ da cá sấu rất được khách hàng ở các nước tin tưởng, song cũng đặt ra việc cần tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi lâu dài của trang trại!./.

Nhóm PV Ban Thời sự
Nguồn
Link bài gốc

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bạn đọc quan tâm

Mới nhất
Xem nhiều nhất
Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com