Ngày 4.7, hơn 1.000 người đã kéo đến nhà ông Nguyễn Kim Tản (51 tuổi, ngụ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, H.Đông Hài, Bạc Liêu) để tận mắt chứng kiến cảnh "người chết trở về" là chị Nguyễn Kim Hỏn, 43 tuổi, em ruột ông Tản. Đây là người phụ nữ lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc mà gia đình tưởng đã chết nên khai tử và hàng năm đều làm đám giỗ.
Rạng sáng cùng ngày, chị Hon cùng ông Tản đáp chuyến bay từ Hà Nội vè Cần Thơ. Ô tô 4 chỗ sau đó đón chị Hon về Bạc Liêu và ghé nhà người thân thay quần áo, rồi đi ăn sáng. Sau khi viếng Phật ở khu du lịch tâm linh tại P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu), chị Hon lên xe về lại quê nhà sau 22 năm.
Ô tô ghé vào đầu con đường bê tông vào nhà ông Tản khoảng 11 giờ cùng ngày. Chị Hon bước xuống xe thì ôm mặt khóc như đứa trẻ. Chị ruột chị Hỏn đã cho em gái bịt khẩu trang kín mặt và trùm đầu, rồi lên xe máy về nhà dưới sự "hộ tống" của công an xã.
Chị Hỏn về đến nhà ông Tản thì cũng là lúc người dân kéo lại rất đông. Trước sân là rạp đãi tiệc với 6 bộ bàn ghế được đặt sẵn để đãi cơm mọi người đến thăm chị Hon. Đây cũng là nơi ông Tản mở tiệc ăn mừng tìm được em gái vào tối cùng ngày.
1 cán bộ địa phương cho biết, do nhà mẹ ruột chị Hon là bà Nguyễn Kim Hến (83 tuổi) siêu vẹo, không có nơi tiếp khách, vì vậy, gia đình chọn nhà ông Tản. Lúc 2 người gặp nhau, bà Hến và chị Hon đã ôm nhau khóc nức nở, gần như ngất xỉu.
Do sức khỏe chị Hon không tốt sau chuyến bay dài và ngồi xe đường xa nên gia đình đã "cách ly" chị này với mọi người đến thăm. Báo chí cũng không tiếp xúc được chị Hon lúc người phụ nữ này mới về nhà ông Tản.
Buổi chiều, chị Hon "tươi tỉnh" lại và ra ngoài trò chuyện với báo chí. Người phụ nữ mặc chiếc áo màu hồng cho biết hơn 20 năm trước đi Cần Thơ làm thuê. 1 người bạn cùng quê sau đó rủ về lại Bạc Liêu và chị đi theo với mục đích thăm mẹ.
Cả nghìn người đến thăm hỏi chị Hon- Ảnh: Hàm Yên
"Sau khi lên xe, tôi ăn uống rồi ngủ đi lúc nào không hay. Khi mở mắt ra thì thấy mình ở Trung Quốc và chẳng còn nhớ gì. Ở tỉnh Quảng Tây, tôi bị bán đi cho nhiều người làm vợ. Chỉ vì không sinh được con nên tôi bị chồng đánh đập nên tôi bỏ đi. Có lần xem tivi, tôi nghe được tiếng Việt Nam và nói vài từ tiếng Việt. Vậy là mọi người nói tôi là người Việt Nam và hướng dẫn tìm về quê nhà. Chiều 4 ngày trước tôi về tới Lạng Sơn", chị Hon chia sẻ.
Bà Ngô Thanh Thủy (chủ Facebook Hoàng Quốc Tuấn) là người chia sẻ câu chuyện của chị Hon. Theo bà Thủy, khoảng 16 giờ ngày 30.6, người nhà của bà tại Lạng Sơn cùng với các thành viên trong CLB Thắp sáng niềm tin nhìn thấy 1 phụ nữ lang thang tại cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc. Lúc đó, chị này trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, nên mọi người đến hỏi thăm rồi đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn.
Do chị Hon không nói rành tiếng Việt, qua người phiên dịch và giấy tờ mang theo có ghi tên người thân, quê quán nên nhóm mới biết tên là Nguyễn Kim Hon, quê ở xã Long Điền Đông. H.Đông Hải, Bạc Liêu.
Sau 3 giờ đăng hình ảnh chị Hon lên mạng xã hội, gia đình của chị Hon đã liên lạc nhận người thân. Sau khi nhờ chính quyền địa phương xác nhận huyết thống mẹ - con giữa cụ Hến với chị Hon, ông Tản đã ra Lạng Sơn đón em gái.
Bà Nguyễn Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông cho biết gia đình cụ Hến khó khăn, đông con. Vài ngày trước, người dân gần khu vực giáp ranh biên giới Trung Quốc thấy chị Hon đi lang thang ngoài đường, tinh thần hoảng loạn nên đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Hình ảnh của chị sau đó xuất hiện trên Facebook và ông Tản đã nhận ra em gái của mình.
Vui mừng trong lúc trùng phùng, cụ Hến nói: "Người ta mang hình con gái đăng trên Facebook cho tôi xem. Vừa thấy hình là tôi nhận ra ngay con Hon. 22 năm qua tôi tưởng nó không còn, tôi cắt hộ khẩu và ở một mình cho tới giờ. Biết nó còn sống, tôi lên xã làm đơn xin nhận lại con, rồi con cái trong nhà cử người đi máy bay ra Lạng Sơn đón con Hon về".
Hàm Yên