An Giang: Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu

27/08/2019 09:48

MTNN

Nhiều khó khăn mang tính đặc thù

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, công tác chống buôn lậu trên các tuyến biên giới của An Giang gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Về địa lý, An Giang có tuyến biên giới kéo dài gần 100km tiếp giáp với Campuchia gồm cả đường bộ và đường sông. Việc phân giới cắm mốc chưa hoàn thành, đây chính là điều kiện cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động.

Hàng năm cứ vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 12, mùa nước lên nhiều cánh đồng vùng biên giới ở An Giang ngập trắng cũng là lúc các đối tượng tăng cường vận chuyển hàng lậu. Để đối phó với lực lượng Biên phòng, Hải quan, đối tượng vận chuyển hàng lậu sử dụng ghe xuồng cao tốc, thường xuyên thay đổi giờ hoạt động cũng như cắt cử chân rết để theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng để lợi dụng đưa hàng qua biên giới.

Đường mòn tự phát tại cửa khẩu Vĩnh Xương.

Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan thiếu người, lực lượng chống buôn lậu thiếu tới ¼ quân số so với yêu cầu. Ông Hoàn cho biết, hiện tại mỗi đơn vị cửa khẩu, lực lượng kiểm soát chuyên trách cũng chỉ từ 3-5 cán bộ công công chức, ngoài công tác tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu, còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu, thu thuế…

Cùng với đó, người dân vùng biên đa số còn nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật chưa cao dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu. Có người thậm chí sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ để giành giật lại hàng hóa, nhất là vào ban đêm.

Đáng chú ý, do địa bàn rộng lớn, phức tạp đã phát sinh nhiều lối mòn tự phát. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại cửa khẩu hải quan Vĩnh Xương, có tới 7 lối mòn tự phát trên một đoạn đường biên ngắn. Ông Dương Sen Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Vĩnh Xương cũng chia sẻ “do có quá nhiều đường mòn, lối mở tự phát, trong khi đó lực lượng lại quá mỏng không đủ để kiểm tra, kiểm soát các đối tượng qua lại biên giới, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng vẫn chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới”. Ngoài ra, còn một số khó khăn, bất cập về chính sách pháp luật , trong đó có việc xử lý hàng hóa nhập lậu… 

Chó nghiệp vụ được lực lượng Hải quan An Giang sử dụng để phát hiện các chất cấm như ma túy, chất gây nghiện tại cửa khẩu.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Bên cạnh những khó khăn mang tính đặc thù, lực lượng Hải quan An Giang còn phải thường xuyên “căng mình” đối mặt với nhiều chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, mạnh động của các đối tượng buôn lậu.

Ông Trần Quốc Hoàn cho biết, một trong những thủ đoạn của các đối tượng là tập kết hàng tại biên giới Campuchia, lợi dụng dòng sông biên giới chung, kênh rạch, đường mòn, các bến đò ngang vận chuyển bằng xe gắn máy chạy với tốc độ cao, ghe xuồng cao tốc, thuê người đai vác hàng lậu sang. Chúng còn cử người canh đường nhiều nơi, nhiều điểm cả ngày đêm. Sau đó, chờ trời tối hoặc vắng các lực lượng chức năng, thẩm lậu hàng hóa qua biên giới.

Đáng chú ý, xuất hiện thủ đoạn buôn lậu đường bằng cách chở bao bì có in sẵn nhẵn mác “Made in Vietnam” sang bên kia rồi tập kết đường và sử dụng bao bì đó để "tuồn" hàng về, sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước. Lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, nhiều kênh rạch, các đối tượng dùng xuồng có gắn động cơ công suất cao vận chuyển qua biên giới, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng nhấn chìm, tẩu tán hàng ngay trên sông.

Đối với mặt hàng phế liệu, lợi dụng đường biên giới nhiều kênh rạch và dòng sông chung, các đối tượng dùng ghe máy vận chuyện phế liệu nhập lậu sau đó cũng tìm mọi cách hợp thức hóa bằng các hóa đơn chứng từ mua bán nội địa.

Tại cửa khẩu Vĩnh Xương, nơi có nhiều đường mòn lối mở tự phát, ban ngày mọi hoạt động du lịch, buôn bán, qua lại cửa khẩu diễn ra bình thường, thậm chí còn vắng vẻ. Nhưng đến thời điểm nhá nhem tối, các đội vận chuyển hàng lậu sẽ xuất hiện, nhanh chóng chia nhỏ các kiện hàng và liên tục vận chuyển qua khu vực đường biên cửa khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng buôn lậu hoạt động theo mạng lưới, có sự phân công đối phó với lực lượng Hải quan, cắt cử người theo dõi “động tĩnh” của cán bộ chống buôn lậu. Thậm chí, ngay từ khi cán bộ xuất phát đi kiểm tra, truy bắt đã có thông tin từ đội ngũ được thuê theo dõi khu vực trụ sở, thông báo cho đồng bọn để lẩn trốn, khiến công tác truy quét gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp, lực lượng chức năng phải đối mặt với hiểm nguy, chống trả từ các đối tượng buôn lậu.

Với các cửa khẩu có tuyến đường bộ, đối tượng buôn lậu lợi dụng một số quan chức của nước bạn sử dụng xe ô tô 4-7 chỗ vận chuyển vàng, ngoại tệ, tiền Việt Nam trái phép qua biên giới, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của các Chi cục Hải quan cửa khẩu đường bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Hoàn còn nêu thực tế, bất cập từ việc cấp phép cho các cơ sở sang chiết, chế biến đường cát thành đường phèn gần biên giới đã gây nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu.

“Có hiện tượng doanh nghiệp mua hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp kinh doanh đường và các nhà máy, công ty sản xuất đường để hợp thức hóa nguồn đầu vào cho đường nhập lậu, để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra”, ông Hoàn cho hay.

Lực lượng Hải quan An Giang tuần tra trên sông Tiền (Ảnh: M.P)

Những đề xuất cấp bách

Theo báo cáo mới nhất, trong 7 tháng năm 2019, Hải quan An Giang đã tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện bắt giữ 30 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, trị giá tang vật vi phạm là 729 triệu đồng. Tang vật thu giữ gồm đường cát, thuốc lá điếu, tiền Việt Nam, gỗ, tân dược, phế liệu, xe gắn máy, rượu bia, nông sản…

Đặc biệt, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy – Cục Hải quan tỉnh An giang đã phối hợp cùng Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam (Đội 6 – Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an tỉnh An Giang thực hiện Chuyên án số ML 119 do Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan xác lập. Kết quả: Lúc 16 giờ ngày 13/4/2019, lực lượng phối hợp đã tiến hành bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát số 67L-50 tại khu vực Bến đò Đồng Ky thuộc xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 8,2kg ma túy tổng hợp và 17,8 kg ma túy đá.

Ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lí vi phạm Cục Hải quan An Giang dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình buôn lậu trên địa bàn còn diễn biến phức tạp nhất là thời điểm những tháng giáp Tết. Mặt hàng nhập lậu nổi cộm từ Campuchia về Việt Nam vẫn là đường cát Thái Lan và thuốc lá điếu ngoại. Do yếu tố chênh lệch giá, lợi nhuận cao và nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa, dự báo các đối tượng buôn lậu vẫn sẽ tìm mọi cách để vận chuyển 2 mặt hàng này qua biên giới vào nội địa trong thời gian tới. Trước tình trạng hoạt động vận chuyển hàng lậu qua biên giới diễn biến phức tạp, Hải quan An Giang đã triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu.

Theo đó, vì lực lượng còn thiếu, trong thời gian tới, Hải quan An Giang sẽ tích cực phối hợp các các lực lượng chức năng trên địa bàn như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu trong địa bàn hoạt động Hải quan nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong việc phòng ngừa và xử lý đối tượng chống người thi hành công vụ. Lập các kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát theo từng đợt cao điểm, tùy theo đặc điểm tình hình buôn lậu, đảm bảo không để xảy ra điểm nóng buôn lậu trong địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Tăng cường thu thập thông tin, phòng chống có hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiện tệ qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan.

Đối với những khó khăn thực tại, đại diện Hải quan An Giang ông Trần Quốc Hoàn cũng nêu một số kiến nghị: UBND tỉnh An Giang cần chỉ đạo các ngành sớm hoàn chỉnh việc xác định phạm vi khu vực biên giới, vành đai biên giới, khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ để trình cấp có thẩm quyền ký ban hành và cắm các biển báo theo quy định nhằm đảm bảo cho công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Đối với mặt hàng đường, Cục Hải quan An Giang kiến nghị các cơ quan chức năng tạm dừng cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường cát, đường phèn; cơ sở thu mua phế liệu trong khu vực biên giới; tăng cường phối hợp kiểm tra tình trạng, điều kiện hoạt động đối với các kho, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh đã cấp phép, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động những cơ sở này.

Ông Hoàn cũng đề xuất chính quyền địa phương tiến hành dẹp bỏ các tuyến đường mòn tự phát trên tuyến biên giới; đồng thời giải tỏa các hộ dân đang sinh sống tại khu vực vành đai biên giới có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc hành vi tiếp tay cho buôn lậu…/.

Bài, ảnh: Minh Phương
Nguồn
Link bài gốc

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

Bạn đọc quan tâm

Mới nhất
Xem nhiều nhất
Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com