Đã 30 năm trôi qua, giờ đây chị cũng đã có gia đình riêng nhưng ký ức về tuổi thơ vẫn như vết thương mưng mủ cứ nhức nhối mãi trong lòng chị.
Có những người phụ nữ vì chứng kiến cảnh bố mẹ cải vã hay những trận đòn roi để rồi sợ phải lấy chồng, sợ ký ức sống dậy.
Chị cũng từng có ký ức như vậy nhưng may mắn thay dù bị ám ảnh nhưng chị đã có suy nghĩ tích cực. Chị đã lập gia đình, yêu thương nhiều hơn để chúng được sống trong yêu thương, tránh những nỗi đau ngấm ngầm mà mẹ chúng đã phải gánh chịu.
Đã 30 năm trôi qua nhưng ám ảnh về những trận cãi vã, đòn roi mỗi lần bố say rượu vẫn ám ảnh (Ảnh minh họa)
Chị Lê Thị N.(Thủy Nguyên – Hải Phòng) 30 năm nay vẫn ám ảnh về những ký ức của tuổi thơ khi chứng kiến gia đình chị không êm ấm như gia đình những bạn bè khác.
"Trong suốt những năm tháng của tuổi thơ, tôi phải chứng kiến những trận đòn, những trận cãi vã của cha và mẹ. Chuyện xảy ra cách đây 30 năm nhưng dường như kí ức tuổi thơ tôi vẫn như vết thương mưng mủ cứ nhức nhối mãi trong lòng vậy", chị N. cho hay.
Chị N. kể bố chị là một người đàn ông nát rượu, uống ít cũng say mà nhiều cũng say. Mỗi lần ông đi uống rượu, chỉ cần thoáng thấy tiếng bước chân bố về là mấy chị em nép vào 1 góc buồng tối không đứa nào dám thò mặt ra. Nếu về không thấy ai để gây sự thì ông 1 mạch leo lên giường ngủ, lúc ấy mọi người ai nấy đều phải đi đứng rón rén nhẹ nhàng. Còn hễ quá chén 1 chút là về lèm nhèm chửi rủa, rít điếu thuốc lào rồi tiện tay quăng chiếc dép vào đứa con nếu như nó làm gì khiến ông thấy ngứa mắt.
"Ông ấy đi đánh bạc suốt đêm, có hôm gần sáng mới về. Phần lớn là về nhà quát vợ, mắng con. Tôi sợ sệt nằm im thin thít bên mẹ, muốn ho mà phải bịt chặt mồm.... Gần sáng mới về nên có khi ông ấy ngủ đến trưa, mẹ tôi gọi mà không thấy trả lời là không dám gọi đến câu thứ 2. Mẹ con tôi như cái gai, cái tội trong mắt của bố" – chị N. chia sẻ trong hai hàng nước mắt.
Bữa cơm sum họp với gia đình chị dường như là một điều xa xỉ. Không ít lần uống rượu say kiếm chuyện bố chị hất cả mâm cơm ra ngoài sân, bát đũa cơm canh đổ hết, mọi người chạy tứ tán để thoát những trận đòn để lại người đàn ông nát rượu ngồi trơ lại bên hiền nhà mặc sức chửi rủa.
Cũng không ít lần bị bố đuổi đánh giữa đêm, mẹ con chị phải chạy ra khỏi nhà giữa màn đêm tăm tối. Mấy mẹ con dắt díu nhau mà không biết đi đâu về đâu. Có khi phải sang trú nhờ nhà hàng xóm để sáng hôm sau mấy chị em rón rén về đi học, mẹ lại tất bật buổi chợ sớm.
Với chị N. hình ảnh người bố với dáng vẻ xiêu vẹo, gương mặt hốc hác, mắt lờ đi thiếu ngủ, vì rượu là điều chị không thể nào quên. Mỗi khi nhắc lại về kí ức của mình, ánh mắt người phụ nữ ấy không giấu nổi sự chua chát.
Trong tiếng thở dài chị N. chia sẻ: “Mẹ tôi là người phụ nữ chịu thương chịu khó, tất tả buôn bán ngược xuôi nhưng dường như áp lực gánh nặng về gia đình, chồng con đè lên đôi vai khiến mẹ tôi trở nên cau có, cay nghiệt và chì chiết tôi mỗi khi mẹ cãi vã với bố”.
Biết bao bà mẹ vì thất vọng về cuộc hôn nhân của mình mà đối xử không tốt với những đứa con, bắt con chịu cái cảm giác tất cả mọi lỗi lầm đều là do chúng.
“Tại thằng bố mày mà tao khổ”; “Mày là đồ ăn hại”; “Sao mày không được như con A con B nhà hàng xóm”... là những gì mẹ chị N. hay trút lên đầu đứa con gái.
Người mẹ nào cũng yêu thương và dành cho con những tình cảm vô bờ bến nhưng đừng bạo hành con bằng nỗi đau của mình, đừng khoác lên yêu thương những thứ đau khổ. Yêu thương không phải được xây dựng từ đau khổ.
Không riêng gì trường hợp của chị N. mà nhiều người khác cũng từng chứng kiến cảnh bố mẹ suốt ngày cãi vã, chửi bới nhau. Bao nhiêu gia đình đã từng yên ấm những trong phút chốc bỗng biến thành ác mộng.
Sau này khi trải qua cả trường học lẫn trường đời, chị N. đã trở thành một người phụ nữ có cuộc sống tốt, tự mình theo thời gian vá víu những khuyết thiếu trong tâm hồn nhưng những kí ức của tuổi thơ vẫn đeo đuổi và ám ảnh chị.
Không ai sinh ra có quyền được chọn gia đình, nhưng hãy cho những đứa trẻ biết rằng gia đình luôn là điều tuyệt vời nhất. Dù cả thế giới có quay lưng thì bố mẹ vẫn là nơi đón mình trở về.
Thấu hiểu điều đó, khi có gia đình riêng chị N. yêu thương con nhiều hơn với mong muốn con được sống trong gia đình bình yên để mãi là chốn trở khi chúng mỏi mệt trên đường đời.
Null