Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo ngày 20/9 về tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ 7, MTA HANOI 2019 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại dành riêng cho các tỉnh miền Bắc có chủ đề: “Cùng sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo đó, diện tích triển lãm lần này lên tới 5.500m2, triển lãm sẽ là nơi giới thiệu các sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu của ngành công nghiệp cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại của các nhà cung ứng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Họp báo về sự kiện Triển lãm quốc tế lần thứ 7, MTA HANOI 2019 (Ảnh: K.D)
Theo Ban tổ chức MTA HANOI 2019, khi làn sóng đổi mới đổ bộ vào ngành công nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2035, đẩy mạnh phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu với chỉ tiêu xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí cho năm 2035. Cùng với bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng cao, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “công xưởng mới” của thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thu hút vốn đầu tư lớn đến từ các tập đoàn đa quốc gia với số vốn đạt 18,47 tỷ USD. Đặc biệt, khu vực các tỉnh phía Bắc Việt Nam với lịch sử phát triển cơ khí lâu đời, thuận lợi về vị trí địa lý để đón nhận luồng dịch chuyển sản xuất và hấp dẫn vốn đầu tư cao – với số vốn đầu tư cao nhất cả nước đạt 4,87 tỷ USD tại thành phố Hà Nội.
Cơ hội đặt ra càng nhiều – thách thức đặt ra càng lớn, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam chính là cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trải qua sáu phiên bản thành công, MTA HANOI đều có những bước phát triển đáng ghi nhận qua mỗi năm, đáp ứng nhu cầu cải tiến và biến đổi liên tục của xu hướng thế giới.
Theo Giám đốc Dự án Cơ khí chế tạo – Máy móc và thiết bị (Khu vực châu Á – Informa Makets) Wililiam Lim, Hà Nội là địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… trong đó miền Bắc đang là nơi thu hút vốn FDI nhiều nhất vì có nhiều nhà máy, công xưởng với tỷ trọng phân bổ đầu tư chế biến, chế tạo chiếm 13,15 tỷ USD, tiếp đến là bán lẻ…