(HNMO) - Hàng loạt hoạt động chào đón năm mới 2021 đã diễn ra trên khắp thế giới với những niềm hy vọng mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi nhiều quốc gia ghi nhận các trường hợp mắc biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh chóng, khoảnh khắc chào đón năm mới của người dân rất khác biệt so với mọi năm.
Ba quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên trải qua thời khắc chuyển giao giữa năm 2020 và 2021.
Tại Australia, những màn trình diễn pháo hoa rực rỡ đã thắp sáng bầu trời tại khu vực cầu cảng và Nhà hát Opera Sydney. Tuy nhiên, thay vì có mặt từ sớm ở bến cảng để có vị trí đẹp thưởng thức màn trình diễn pháo hoa lúc giao thừa, người dân thành phố Sydney được yêu cầu ở nhà và đón năm mới qua màn hình vô tuyến để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. Các địa điểm xem pháo hoa đã bị đóng cửa cả ngày 31-12-2020 theo quy định của chính quyền bang.
Bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales đã xin lỗi về những hạn chế này, đồng thời khẳng định đây là việc làm cần thiết để ngăn chặn một ổ dịch siêu lây nhiễm tiềm ẩn. Trong khi đó, bang Victoria lân cận đã ban hành các quy định hạn chế chỉ vài giờ trước khi lễ đón giao thừa bắt đầu. Người dân không được phép tụ tập quá 15 người và phải đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà.
Một số quốc gia châu Âu cũng đã hủy sự kiện bắn pháo hoa và đếm ngược chào năm mới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Màn pháo hoa thường niên tại cổng Brandenburg, biểu tượng của thủ đô Berlin (Đức) bị hủy, việc bán pháo hóa để người dân bắn trên đường phố lúc giao thừa cũng bị cấm.
Tại Anh, tháp đồng hồ Big Ben điểm 12 tiếng đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, nhưng màn bắn pháo hoa trên sông Thames đã bị hủy bỏ. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi mọi người đón năm mới một cách an toàn tại nhà, bởi các ca mắc mới Covid-19 ở nước này đã tăng lên nhanh chóng trong tuần qua.
Bộ trưởng Nội vụ Italia Luciana Lamorgese đã ra lệnh huy động 70.000 nhân viên an ninh tuần tra trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn trên bầu trời Đấu trường Colosseum ở Rome nhưng người dân chỉ có thể chiêm ngưỡng từ ban công do lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã bắt đầu từ 22h.
Tại Ấn Độ, một số thành phố lớn đã ban hành các quy định hạn chế đối với các hoạt động đón năm mới. Giới chức thành phố Delhi chỉ cho phép tụ tập tối đa 5 người và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23h ngày 31-12-2020 đến 6h ngày 1-1-2021.
Phần lớn người dân Nhật Bản đón mừng năm mới 2021 tại nhà, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Thủ đô Tokyo đã ghi nhận khoảng 1.300 ca mắc mới trong ngày 31-12-2020, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ vượt mốc 1.000 ca. Nhiều người đã tạm gác lại các chuyến đi về quê trong những ngày này để giảm bớt rủi ro về sức khỏe.
Các đền thờ tại Nhật Bản vốn được hàng triệu người lui tới vào mỗi dịp năm mới để cầu bình an đã phải lên phương án hạn chế đám đông, đồng thời kêu gọi người dân tránh đến vào đúng thời điểm giao thừa và sáng sớm 1-1-2021. Dịch vụ tàu chở người dân đi thăm đền thờ qua đêm đã bị hủy bỏ. Năm nay, Nhà vua Nhật Bản Naruhito cũng đã gửi thông điệp chúc mừng năm mới qua video thay vì vẫy tay chào người dân từ ban công bên ngoài cung điện.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã lần đầu tiên hủy bỏ lễ rung chuông giao thừa ở khu vực Jongno kể từ khi sự kiện này được tổ chức vào năm 1953. Buổi lễ mọi năm thường thu hút khoảng 100.000 người tham gia và được truyền hình trực tiếp. Giới chức các khu vực ven biển phía Đông Hàn Quốc cũng đã đóng cửa các bãi biển và các địa điểm công cộng khác, nơi hàng trăm nghìn người thường tụ tập vào ngày đầu năm mới để ngắm bình minh.
Tại Mỹ, tâm dịch hàng đầu thế giới hiện nay, quả cầu pha lê nổi tiếng vẫn được lắp đặt tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York, song người dân không được phép tập trung đông người để đón giao thừa sôi động như mọi năm.