Nhằm cải thiện chất lượng không khí và từng bước kiểm soát lượng khí thải từ phương tiện giao thông, Hà Nội đang triển khai điều chỉnh khu vực kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó thí điểm áp dụng vùng phát thải thấp tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình. Đây là những địa bàn có mật độ dân cư, phương tiện cao và thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ.
Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn phương tiện có mức phát thải cao được phép lưu thông, góp phần giảm khí thải độc hại và tiếng ồn trong đô thị. Theo lộ trình, thành phố sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả mô hình để điều chỉnh phù hợp, đồng thời khuyến khích các quận, huyện mở rộng áp dụng vùng phát thải thấp trong giai đoạn đến năm 2030.
Việc điều chỉnh này nằm trong chiến lược tổng thể về bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển giao thông xanh, thân thiện với khí hậu. Bên cạnh các giải pháp về kiểm soát phương tiện, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện điện nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn.
Theo Nghị quyết 47 của HĐND Thành phố ban hành vào năm 2024, Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội có hiệu lực từ 1/1/2025, về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, từ năm 2025 đến năm 2030 Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Tuy nhiên theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1. Để thực hiện được lộ trình này, Thành phố sẽ điều chỉnh vùng phát thải thấp để kiểm soát ô nhiễm không khí, đặc biệt là từ phương tiện giao thông.
Các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường tại TP.Hà Nội.
Như vậy, thành phố Hà Nội sẽ không thực hiện thí điểm và bắt tay chính thức vào việc triển khai vùng phát thải thấp trong khu vực vành đai 1, bao gồm 5 phường thuộc quận Ba Đình và Hoàn Kiếm cũ và một phần của 4 phường lân cận là Hai Bà Trưng, Văn Miếu, Ô Chợ Dừa và Tây Hồ. Theo Nghị quyết trước đó, từ năm 2025, quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.
Tuy nhiên, theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực trung tâm từ giữa năm 2026. Yêu cầu này đòi hỏi phường Hoàn Kiếm không chỉ điều chỉnh về giới hạn không gian mà còn phải thực hiện tổng thể các giải pháp để kiểm soát nguồn phát thải trên toàn bộ diện tích của phường.
Lãnh đạo UBND phường Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm trước đây đã nghiên cứu việc xây dựng vùng phát thải thấp nằm trọn vẹn địa bàn phường Hoàn Kiếm hiện nay, địa phương tiếp tục kế thừa các nghiên cứu đó, đánh giá kết quả cũng như các giải pháp để đưa ra những phương án xây dựng đề án một cách hợp lý.
Hiện nay, để di chuyển ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, người dân, khách du lịch có thể lựa chọn phương tiện xe điện. Loại hình xe điện được phát triển từ năm 2010 với mục đích từng bước cải thiện môi trường giao thông đô thị, quảng bá giá trị không gian kiến trúc văn hóa khu vực phố cổ đến với du khách trong và ngoài nước.
Đây cũng chính là tiền đề để quận Hoàn Kiếm trước kia và bây giờ là phường Hoàn Kiếm, phường Cửa Nam nhân rộng loại hình phương tiện thân thiện với môi trường. Theo số liệu thống kê của UBND Thành phố Hà Nội, người dân định cư trong Vành đai 1 là khoảng 600.000 người với khoảng 450.000 phương tiện xe máy các loại đang di chuyển, sinh hoạt. Số phương tiện này hiện mới chỉ được tính trong Vành đai 1.
Chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh được Hà Nội chú trọng triển khai.
Sau khi điều chỉnh phạm vi vùng phát thải thấp cùng với việc vận hành chính quyền hai cấp từ ngày 1/7, UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án, thay vì trước kia là quận Hoàn Kiếm. Hiện Sở này đã chỉ đạo UBND các phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Giảng Võ, Ngọc Hà tiếp tục triển khai thực hiện vùng phát thải thấp trên cơ sở kế thừa những kết quả đã nghiên cứu trước đó.
Yêu cầu đặt ra là các phường phải công bố vùng phát thải thấp trong quý III/2025 năm nay. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, về việc triển khai này, Thành phố đã có quan điểm chỉ đạo là không dừng ở thí điểm mà đẩy nhanh lộ trình thí điểm và triển khai trên diện rộng đối với các vùng phát thải thấp, không chỉ dừng ở quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình (cũ), mà hiện nay là 4 phường và sẽ được triển khai tiếp trên diện rộng hơn.
Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, tiến tới mở rộng vùng phát thải thấp toàn thành phố vào năm 2030. Để thực hiện được lộ trình này, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức và loại hình giao thông xanh.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết, lộ trình đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang năng lượng chạy bằng điện, tăng cường loại hình xe buýt dạng trung bình khổ nhỏ để hài hoà phù hợp với nền tảng hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, đặc biệt là trong vành đai 1, 2. Cũng theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng, ngoài cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, từ ngày 1/1/2028, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực vành đai 1 và vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.
Để thực hiện được lộ trình này, Hà Nội hiện đang dự thảo mức hỗ trợ người có xe máy xăng khi chuyển sang xe điện có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ tiền tối đa 3 triệu đồng.
Việc điều chỉnh khu vực kiểm soát ô nhiễm không khí và thí điểm vùng phát thải thấp tại Hoàn Kiếm, Ba Đình là bước đi cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống đô thị. Đây không chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, ưu tiên môi trường và sức khỏe người dân.
Với định hướng mở rộng vùng phát thải thấp ra các địa phương khác đến năm 2030, Hà Nội đang tạo nền tảng cho việc hình thành mạng lưới kiểm soát khí thải quy mô lớn, đồng bộ và hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đáng sống trong tương lai.
Thanh Loan