(HNM) - Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer vừa chính thức thông báo về việc Chính phủ Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 25% với số hàng hóa của Pháp như đồ mỹ phẩm hay túi xách… có tổng trị giá 1,3 tỷ USD. Quyết định này tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại giữa hai đồng minh lên một nấc thang mới.
Việc đánh thuế lần này sẽ tác động lớn tới nhiều “đại gia” Pháp trong lĩnh vực đồ xa xỉ như Tập đoàn LVMH, L’Oreal… sở hữu những thương hiệu hạng sang hàng đầu thế giới và là niềm tự hào của nước Pháp. Mức thuế cao hơn cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Pháp sẽ trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Đây được xem là động thái đáp trả của Washington đối với chính sách thuế kỹ thuật số của Paris. Từ giữa năm 2019, Pháp đã đánh thuế ở mức 3% đối với một loạt tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon và Apple với lý do các công ty này cố tình chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để trốn thuế. Sự quyết đoán này được nhìn nhận là nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tạo lợi thế cho kỳ bầu cử vào năm 2022, đồng thời nâng cao vai trò dẫn dắt của nước Pháp ở Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu coi việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số là một phương thức tăng nguồn thu cho Chính phủ.
Trong khi đó, Mỹ luôn phản đối mọi nỗ lực thay đổi mức thuế quan của Pháp, cáo buộc đây là “cách đối xử không công bằng” nhằm vào các “ông lớn” công nghệ Mỹ. Vì thế, Washington đã mở cuộc điều tra việc áp thuế kỹ thuật số của Paris dựa vào Đạo luật Thương mại năm 1974. Tới tháng 12-2019, kết luận điều tra cho rằng, việc đánh thuế mà Pháp thực hiện là không phù hợp với nguyên tắc hiện hữu của chính sách thuế quốc tế và đột ngột tạo ra ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ nằm trong diện chịu thuế. Phía Mỹ cũng đồng thời đề xuất hình phạt thuế tới 100% đối với một số mặt hàng của Pháp, ước tính vào khoảng 2,4 tỷ USD. Số hàng hóa 1,3 tỷ USD vừa bị áp thuế nằm trong gói thuế quan này.
Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của khoản thuế mới lại được USTR lùi 180 ngày (tới ngày 6-1-2021) với tuyên bố tạo điều kiện để hai bên có thêm thời gian “giải quyết vấn đề”. Thông báo trên đáp lại thỏa thuận mà Mỹ và Pháp đạt được hồi đầu năm 2020 về việc tạm ngừng thực thi quyết định đánh thuế kỹ thuật số đến cuối năm để hỗ trợ các cuộc đàm phán, trong đó có thảo luận về một giải pháp đánh thuế kỹ thuật số đa phương tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Dẫu vậy, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nhằm vào hàng hóa của Pháp. Cách đây gần một năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế rượu vang của đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Quyết định này giáng mạnh vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước hình lục lăng khi cho đến nay Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của rượu vang Pháp, chiếm khoảng 25% tổng lượng rượu vang xuất khẩu của nước này, tương đương khoảng 3,6 tỷ USD.
Vì thế, động thái mới của Washington chắc chắn sẽ tiếp tục tạo thêm sự xa cách cho mối quan hệ đang không được ngọt ngào như vốn có giữa Mỹ và Pháp, đồng thời sẽ gây khó khăn không ít cho nền kinh tế đất nước hình lục lăng. Sự kiện này một lần nữa khẳng định rằng Tổng thống D.Trump vẫn xem chính sách “Nước Mỹ trên hết” là một ưu tiên hàng đầu và sự quyết liệt trong các bước đi tiếp theo sẽ khó giảm trong thời gian tới khi ông chủ Nhà Trắng tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thuế quan khác với mục tiêu trả đũa lẫn nhau và khi đó, các bên liên quan đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đang phải chịu những tác động xấu của đại dịch Covid-19 hiện nay, rất cần sự hợp tác, phối hợp và chia sẻ giữa hai quốc gia.